Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng
Báo Công An Nhân Dân dẫn nguồn Vụ Thị trường châu Á_châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Indonesia ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Indonesia là là thị trường còn nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia tại Đông Nam Á. Đáng lưu ý, Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa...
Đặc biệt, nhiều mặt hàng thế mạnh của Indonesia như than đá, linh kiện phụ tùng ô tô, dầu cọ, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường… cũng được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan tâm, nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, chỉ trong 4 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia thu về 149 triệu USD, tăng đột biến 2.514% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh việc nhập khẩu gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác. Với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Cũng theo ông Phạm Thế Cường, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thủy sản, thịt bò...
Nhằm duy trì đà tăng trưởng thương mại trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam-Indonesia cần tận dụng những cơ hội mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước. Cùng đó, hạn chế áp dụng rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại tại mỗi nước. Ngoài ra, hai nước cần nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng sạch.
Việt Nam-Indonesia vẫn luôn phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực
Theo TTXVN, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955 đến nay, quan hệ Việt Nam-Indonesia vẫn luôn phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Indonesia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; trong đó, hợp tác kinh tế đang có những bước tiến lớn. Hơn nữa, hai nước đều là những thành viên tích cực trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), luôn hợp tác để đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta từ 4-7/9 hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác, sớm đưa thương mại song phương vượt 15 tỷ USD và theo hướng cân bằng.
Theo Vụ Thị trường châu Á-Châu Phi, kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 4,8 tỷ USD nhưng sau 10 năm, kim ngạch đã tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 4,2 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu sang Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia tại Đông Nam Á.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trúc Chi (t/h)