Đây là những điểm chính trong Công điện vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; và các Tập đoàn như: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành và doanh nghiệp đã và đang đưa ra các giải pháp để đảm an ninh năng lượng Quốc gia trong giai đoạn tới đây.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng kể từ 15h ngày 5/9. Theo đó, giá xăng tiếp tục tăng hơn 200 đồng/lít. Còn giá các mặt hàng dầu có loại tăng, có loại giảm. Như vậy, từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 25 kỳ điều chỉnh; trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá. Bình ổn giá và nguồn cung xăng dầu cuối năm tiếp tục là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng với các doanh nghiệp trong ngành.
Đảm bảo nguồn cung cho thị trường là mục tiêu được Petrolimex xác định từ nay đến cuối năm. Trong những tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này cung ứng cho thị trường 900 nghìn mét khối xăng dầu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ quan trong của doanh nghiệp, và một số giải pháp đã được đưa ra.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex, cho biết: "Hàng tháng, chúng tôi đã chủ động xây dựng các kế hoạch nhập hàng trên cơ sở dựa vào nguồn cung của hai nhà máy lọc dầu trong nước, cũng như phần nhập khẩu. Đặc biệt, Petrolimex đã chủ động trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp để đa dạng nguồn cung, phát triển thêm các nhà cung cấp mới để làm sao phong phú nhất cũng như bố trí các kịch bản trong những tình huống mà nhu cầu trong nước tăng lên".
Còn PVN, mỗi năm cung cấp 15,6 triệu mét khối xăng dầu ra thị trường, tương ứng khoảng 70 % nhu cầu của cả nước. Trong bối cảnh một trong 2 đơn vị lọc hóa dầu phải ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ, dự kiến kéo dài đến khoảng giữa tháng 10, thì các biện pháp đảm bảo ổn định nguồn cung đã được tập đoàn triển khai.
Ông Lê Xuân Huyên, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, nói: "Đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất, chúng tôi yêu cầu tăng công suất lên cỡ 112 % công suất trong giới hạn an toàn và đảm bảo cái nguồn nguyên liệu dầu thô để cho nhà máy hoạt động được bình thường. Đối với lại PVOil, chúng tôi đã chỉ đạo, nguồn nhập cũng hỗ trợ cho PVOil nhập đủ lượng theo yêu cầu để đảm bảo nguồn cung và PVOil đã phải tăng cường cái tự sản xuất mà mình từ nguồn condensate để sản xuất xăng E5".
Về việc cung ứng đủ điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đầu năm đến nay ngành điện đã cung cấp khoảng 187 tỷ kWh điện, tăng trưởng khoảng 3% so với năm ngoái. Dự kiến hết năm nay, lượng điện tiêu thụ sẽ đạt khoảng 284 tỷ kWh điện và các giải pháp đáp ứng nhu cầu điện trong giai đoạn cuối năm nay và năm 2024 cũng đang được ngành Công Thương triển khai.
Ông Từ Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Hệ thống điện, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, cho biết: "Đối với các tháng cuối năm 2023 và kể cả năm 2024, hệ thống điện Việt Nam đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các tập đoàn thực hiện các giải pháp để chuẩn bị các nguồn nhiên liệu về than, về khí, vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện đảm bảo tích nước chuẩn bị cho việc vận hành mùa khô năm 2024".
Cũng để đảm bảo nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, trong công điện Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên theo đúng quy định để phấn đấu khởi công vào tháng 9 năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.27954043250903202-aig-couq-gnoul-gnan-hnin-na-oab-mad/et-hnik/nv.vtv