Chỉ còn một tháng nữa, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm quản lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất của tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU.
Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu. EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Cơ chế được chia thành ba giai đoạn. Từ tháng 10/2023 - 2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Từ ngày 2026-2034: doanh nghiệp mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM.
Sức ép chuyển đổi xanh
Dù là nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, nhưng cơ chế carbon sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu. Lấy ví dụ như với ngành thép, theo ước tính của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%.
Với Việt Nam, EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Nửa đầu năm nay, 1,36 triệu tấn thép xuất sang EU, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng đây là sức ép và cũng là động lực thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh.
Theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ của WB, loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm đối với thép, nhôm, xi măng xuất khẩu Việt Nam vào EU. Hiện một số công ty thép thuê tư vấn giám sát, chủ động kế hoạch giảm 50% lượng khí thải carbon qua kỹ thuật tiên tiến là sản xuất thép bằng hydro.
Bà Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết: "Những quy định của thế giới chưa một giai đoạn nào mà đi thẳng vào doanh nghiệp như bối cảnh hiện tại. Nó rất khác so với đàm phán, cam kết trước đây khi chúng ta có chu trình nội luật hoá, điều chỉnh với doanh nghiệp. Nhưng với cơ chế điều chỉnh carbon của châu Âu, chống phá rừng của châu Âu, chuỗi cung ứng của Đức… tác động thẳng đến doanh nghiệp".
Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Không chỉ có nhôm - thép mà nhiều ngành hàng thuộc nhóm sản xuất công nghiệp phát thải cao như dệt may, da giày… cũng sẽ phải thích ứng. Doanh nghiệp này đã chuyển đổi sản xuất hơn 80% bông tái chế, thân thiện với môi trường. Đây là nguyên liệu cho các nhà máy dệt may. Từ năm 2021, đơn đặt hàng các đối tác EU đã tăng gần 200% đi kèm các tiêu chuẩn xanh.
Ông Lã Anh Chiến, Giám đốc Nhà máy bông TNG, nói: "Đây là một trong những cơ hội rất tốt để chúng tôi nâng cao năng lực cạnh tranh về cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào ngành may mặc cho các doanh nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu".
Còn các nhãn hàng của EU đang xây dựng các chương trình cùng đối tác Việt Nam cam kết hành động giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới nhà máy xanh.
Ông Lionel Adenot, Tổng Giám đốc Decathlon Việt Nam, nhận định: "Các sản phẩm sẽ phải được sản xuất trên cơ sở đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra thực tế để khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn như việc sử dụng than đá đang được thay thế bằng nhiên liệu sinh khối".
Trước các quy định về kiểm soát phát thải nhà kính, nhiều tập đoàn hàng đầu như Nike, Adidas, Coca - Cola, Heineken cũng đưa ra các tiêu chí môi trường để lựa chọn nhà cung cấp. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không có giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Theo Nghị viện châu Âu, EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Như vậy, thuế carbon được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.
Bối cảnh hiện nay là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đẩy mạnh và thậm chí là gây sức ép về mục tiêu giảm phát thải. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon chỉ là ví dụ đầu tiên. Vấn đề là phải làm, phải đáp ứng. Vậy doanh nghiệp cần làm gì, cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì… là thứ phải khởi động càng nhanh càng tốt nếu không muốn các sản phẩm của chúng ta bị loại khỏi các chuỗi giá trị.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 5/9 với khách mời là ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!