Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 khai mạc tại thủ đô Jakarta (Indonesia) vào ngày 5-9 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức về kinh tế.
Tuy vậy, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn vui mừng thông báo đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với triển vọng tích cực năm 2023 dự báo đạt 4,6% và năm sau tăng lên 4,9%.
Đặc biệt, thương mại của ASEAN tăng trưởng 15%, đạt 3.800 tỉ USD và đầu tư đạt mức cao kỷ lục với hơn 224 tỉ USD.
Không ủng hộ tranh đua quyền lực
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định các thành tựu đạt được là nhờ sự đoàn kết trong ASEAN dù vẫn còn một số khác biệt.
Mượn hình ảnh "con thuyền ASEAN" đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới, hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và ổn định, ông Widodo khẳng định ASEAN nhất trí và kiên định không biến khu vực thành nơi tranh đua quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng.
"Nơi đại dương rộng lớn không ai có thể đi một mình, ASEAN mong muốn hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng", ông Widodo nói.
Đồng tình với phát biểu đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga cũng cho rằng ASEAN là một điểm sáng với triển vọng lạc quan trong tương lai.
Tuy vậy để hiện thực hóa tâm điểm của tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng ASEAN cần đẩy mạnh cải cách chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dỡ bỏ các rào cản thương mại, đầu tư.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư vào sự phát triển con người thông qua giáo dục, y tế, phát triển đồng đều và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Mục tiêu của khu vực
Cùng chung nhận định với nhiều nhà lãnh đạo khi cho rằng ASEAN cần đổi mới tư duy, sáng tạo trong hành động và đột phá trong ý tưởng để tận dụng tối ưu các động lực tăng trưởng,
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: để giữ vững "ASEAN tầm vóc" và là "tâm điểm của tăng trưởng", cần nâng cao năng lực tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế. Các nước cần rà soát, nâng cấp và đàm phán mới các FTA giữa ASEAN và các đối tác để tạo xung lực phát triển.
Trong đó, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh, nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường; thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết để các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm.
Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.
Hướng tới một ASEAN có vai trò lớn hơn
Trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN, Indonesia ưu tiên cho sáng kiến Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Đây là sáng kiến quan trọng đưa ASEAN thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của cục diện địa chính trị khu vực châu Á trong những năm gần đây.
Để tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác, theo tôi, ASEAN nên tập trung trước hết là phục hồi kinh tế nội khối.
Đây là vấn đề cấp bách, giúp người dân trong khối thoát khỏi những khó khăn về kinh tế - xã hội, tiếp tục thể hiện ASEAN là một điểm sáng về kinh tế trong bức tranh u ám toàn cầu.
ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm, hiện thực hóa các tuyên bố để đứng trước các cơn bão cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Từ đó, ASEAN có thể đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Chẳng hạn như là trung gian hòa giải trong các xung đột địa chính trị để các bên có thể "ngồi lại với nhau".
Trong đó, ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với việc tích cực thúc đẩy AOIP ngày càng hiệu quả hơn.
PGS.TS Dương Văn Huy (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, câu trả lời duy nhất là phát huy sức mạnh tự thân, củng cố đoàn kết nội khối.