Trong năm 2020, dịch bạch hầu đã diễn ra ở Tây nguyên với số ca mắc lên đến 200 ca, và 4 ca tử vong. Sau đó tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh bạch hầu trong những năm qua.
Mới đây nhất, vào ngày 24-8-2023 một nam thiếu niên 15 tuổi tại Hà Giang tử vong do bệnh bạch hầu. Theo Sở Y tế Hà Giang, đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến ngày 30-8, toàn tỉnh có thêm 23 ca mắc bạch hầu.
Điều đáng lưu ý là số ca mắc bạch hầu trong những năm vừa qua và hiện tại ở Hà Giang chủ yếu rơi vào trẻ từ bốn tuổi trở lên.
Theo các chuyên gia từ hội Nhi Khoa Việt Nam, kháng thể phòng ngừa một số bệnh mà trẻ đã được tiêm trong 2 năm đầu đời không tồn tại suốt đời theo như suy nghĩ của đa số các bậc phụ huynh, mà sẽ giảm dần theo thời gian.
Cụ thể đối với bệnh bạch hầu, để duy trì khả năng bảo vệ lâu dài khỏi căn bệnh này, ngoài việc tiêm đủ liều đúng lịch trong hai năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại khi được bốn đến sáu tuổi, khi bước vào giai đoạn thanh thiếu niên, và sau đó nhắc lại mỗi 10 năm một lần.
Các ca mắc bạch hầu trong những năm vừa qua cho thấy nguy cơ mắc bệnh luôn thường trực và biện pháp duy nhất để bảo vệ dài lâu khỏi căn bệnh này là chủng ngừa nhắc lại theo đúng lịch.
Bên cạnh đó, bại liệt là một căn bệnh nguy hiểm mà cha mẹ có con 4-6 tuổi cần đưa con đi tiêm nhắc. Theo WHO, Việt Nam đã chuyển từ nhóm quốc gia nguy cơ thấp lên nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.
Nguyên nhân đến từ tỉ lệ tiêm ngừa thấp báo động, cùng với đó là sự trở lại của bệnh bại liệt ở một số khu vực trên thế giới. Năm 2022, Mỹ thông báo về việc virus bại liệt xuất hiện trong nước thải ở thành phố New York. Gần đây nhất, bệnh tái xuất ở một số quốc gia láng giềng của Việt Nam.
Hiện tại, trẻ đã trở lại trường học, và đây là môi trường dễ lây lan bệnh tật, ba mẹ nên dẫn trẻ đi tiêm nhắc phòng các bệnh bại liệt và bạch hầu ngay để bảo vệ trẻ dài lâu trước hai căn bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, ở giai đoạn 4-6 tuổi, trẻ còn cần được tiêm nhắc các bệnh như: viêm não Nhật Bản, cúm, viêm màng não do não mô cầu…
Tiêm đủ liều - đúng lịch có thể giúp ngăn dịch bạch hầu bùng phát - Ảnh: Shutterstock
Bạch hầu nguy hiểm, diễn biến nhanh, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh… dẫn đến tử vong. Do đó, người lớn, trẻ nhỏ không nên chủ quan.
Triệu chứng nhận biết là có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Do đó, người có các triệu chứng như viêm họng, sốt, khàn tiếng, có màng giả màu trắng ở vòm họng… nên đi khám sớm để được điều trị. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cần cách ly để tránh lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh bạch hầu lây nhiễm qua đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho, hắt hơi… và theo giọt bắn vi khuẩn hòa vào không khí, khi người lành hít phải, nếu chưa có kháng thể chống vi khuẩn bạch hầu, sẽ mắc bệnh, ngay cả người lớn.
Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt của trẻ hoặc mặt sàn (sàn nhà, tay vịn cầu thang…) nếu có một trẻ mắc bệnh, dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó sẽ bị lây nhiễm bệnh.