Hôm thứ Tư (6/9), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus đã thông báo rằng giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2023 là khoảng thời gian nóng nhất trong các kỷ lục bắt đầu từ năm 1940.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ba tháng đó là 16,77 độ C (62,19 độ F), cao hơn 0,66 độ C so với mức trung bình từ năm 1990 đến năm 2020. Điều này xuất hiện sau một loạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp Bắc bán cầu, với những đợt nắng nóng lặp đi lặp lại gây ra những vụ cháy rừng tàn khốc.
Theo Copernicus, cả tháng 7 và tháng 8 ước tính ấm hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo thế giới phải duy trì để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres cho biết: “Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc nghiện nhiên liệu hóa thạch. Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh”.
Ông António Guterres cho rằng, kỷ lục nắng nóng toàn cầu mới nhất này phải trùng hợp với việc các nhà lãnh đạo thế giới đang khẩn trương theo đuổi các giải pháp khí hậu. “Chúng ta vẫn có thể tránh được tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất - và chúng ta không có thời gian để lãng phí”, ông cho biết.
Các nhà khoa học cho biết năm tới có thể còn nóng hơn do sự xuất hiện của El Nino, một biến động khí hậu tự nhiên khiến nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình và ảnh hưởng đến thời tiết.
Ảnh hưởng của El Nino có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào tháng 12, nhưng tác động thường cần thời gian để lan rộng trên toàn cầu. Hiệu ứng trễ này là lý do tại sao các nhà dự báo tin rằng năm 2024 có thể là năm đầu tiên nhân loại vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngưỡng 1,5 độ C là giới hạn nhiệt độ toàn cầu mong muốn được đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015 mang tính bước ngoặt. Ngoài mức này, nó có nhiều khả năng gặp phải cái gọi là điểm tới hạn - ngưỡng mà tại đó những thay đổi nhỏ có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất.
Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus cho biết: “Trong tám tháng đầu năm 2023, chúng ta đang trải qua năm ấm thứ hai từ trước đến nay, chỉ mát hơn một chút so với năm 2016 và tháng 8 được ước tính ấm hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những gì chúng tôi đang quan sát, không chỉ những hiện tượng cực đoan mới mà cả sự tồn tại dai dẳng của những điều kiện phá kỷ lục này, cũng như những tác động của chúng đối với cả con người và hành tinh, là hậu quả rõ ràng của sự nóng lên của hệ thống khí hậu”.
Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết trong một tuyên bố: “Bắc bán cầu vừa trải qua một mùa Hè khắc nghiệt – với những đợt nắng nóng lặp đi lặp lại gây ra cháy rừng tàn khốc, gây hại cho sức khỏe, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và gây thiệt hại lâu dài cho môi trường”.