Năm học 2023 - 2024 là năm bứt phá đổi mới giáo dục - lời khẳng định cùng thông điệp kêu gọi giáo viên chủ động và sáng tạo để đổi mới giáo dục từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đã chạm vào trái tim của bao người cầm phấn.
Đổi mới giáo dục phổ thông là xu thế tất yếu nhằm xoay chuyển nền giáo dục hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Khát vọng nhà giáo "chủ động" và "sáng tạo" nên chăng hãy bắt đầu từ những đổi thay nho nhỏ. Và cởi trói áp lực cho người thầy khỏi gánh nặng hồ sơ sổ sách là một việc làm cấp thiết.
"Phép vua" đã thoáng
Thông tư 32/2020/TT của Bộ GD-ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 quy định bốn loại hồ sơ bắt buộc đối với giáo viên THCS, THPT: kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ chủ nhiệm. Nhà giáo chúng tôi mừng rỡ vô cùng khi được "cởi trói" thoát khỏi áp lực của vô số giấy tờ bủa vây.
Quả thật, bao lâu nay người thầy bị xoay vòng trong hàng loạt danh mục hồ sơ sổ sách. Mà càng nhiều sổ sách tồn tại thì càng nhiều cơ hội bắt bẻ để đánh giá, xếp loại giáo viên.
Đôi khi càng ngẫm nghĩ lại càng thấy buồn bởi sự nỗ lực giảng dạy, trau dồi chuyên môn cùng nhiệt tâm giáo dục học sinh của giáo viên đều bị ngó lơ khi mà người kiểm tra chỉ căn cứ việc ghi chép trên sổ sách, giấy tờ để nâng và hạ thi đua của nhà giáo. Mà việc lưu trữ, ghi chép hồ sơ nếu muốn làm giả, gian dối thì chỉ cần bỏ chút công sức "cày"!
Bởi vậy, một khi thông tư 32 của bộ được triển khai thực hiện sâu sát, nghiêm túc đến từng cơ sở trường học, tiếng vỗ tay sẽ rào rào vang lên bởi bao lâu nay giáo viên đã quá vất vả khi miệt mài ghi ghi chép chép từ quyển sổ này sang sổ khác.
"Lệ làng" có thông?
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trăn trở vô cùng: dẫu thông tư 32 đã có hiệu lực nhưng "phép vua" có thua "lệ làng" không khi mà chúng tôi vẫn phải tiếp tục "cày" hồ sơ bởi nhiều lý do?!
"Không thể không ghi chép và lưu trữ hồ sơ hội họp và dự giờ" - đây là lý lẽ mà nhiều đơn vị trường học đưa ra khi yêu cầu giáo viên họp hành phải ghi chép, dự giờ phải ghi chép rồi đánh giá giờ dự, xếp loại giờ dự. Vậy nên, thay vì giáo viên cứ hội họp, dự giờ rồi chép tay vào mấy tờ giấy rời rạc thì nhà trường sẽ in sổ phát cho giáo viên. Thế là mọi thứ "vũ như cẩn", y nguyên hiện trạng áp lực hồ sơ sổ sách.
Rồi cả kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học nữa. Hãy thử tưởng tượng bạn sử dụng một thiết bị dạy học (chẳng hạn tranh minh họa, bảng phụ...) trong tiết học nào đó, bạn phải cập nhật tên thiết bị đó, số lượng, thời gian sử dụng vào bản kế hoạch sử dụng thiết bị xây dựng vào đầu học kỳ, vào giáo án mỗi ngày, vào cổng thông tin điện tử và vào sổ sử dụng thiết bị bằng giấy.
Thay vì chú trọng hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học hỗ trợ thế nào đối với việc nâng cao chất lượng bài giảng, chúng tôi cứ thế mà loay hoay ghi từ sổ này sang sổ khác. Việc làm này thừa thãi và gây lãng phí công sức, thời gian của nhà giáo rất nhiều!
Sự bất cập và quá tải hồ sơ sổ sách đang làm khổ giáo viên ở cơ sở. Bao thế hệ nhà giáo đã lên tiếng, cơ quan chủ quản đã lắng nghe và điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của nhà giáo vẫn là "phép vua" đồng nhất với "lệ làng" để bất kỳ công cuộc cải cách nào, dù lớn dù nhỏ, cũng thật sự hiệu quả và thực chất!
Giảm gánh nặng hồ sơ sổ sách cho giáo viên, xin đừng "cởi trói" nửa vời...
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Thông tư 32 cũng hướng dẫn thực hiện bốn loại sổ sách theo quy định dưới dạng hồ sơ điện tử thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với từng địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và đảm bảo tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Tuy nhiên, sự nhập nhằng giữa hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử vẫn đang quay vòng chúng tôi quá thể. Lịch báo giảng, kế hoạch tuần phải cập nhật lên cổng thông tin điện tử vào sáng thứ hai hằng tuần nhưng chúng tôi vẫn phải điền đầy đủ vào kế hoạch tuần và lịch báo giảng vào sổ giấy.
Để giáo viên sáng tạo trong tổ chức hoạt động dạy học, những giờ dạy trên lớp không nên quá gò bó về mặt thời gian. Điều này cần đến một ban giám hiệu phải có tính chủ động, sáng tạo.