Ngày 6-9, phóng viên Tuổi Trẻ đến tận lõi khu rừng dự kiến sẽ nhường chỗ cho dự án hồ chứa nước Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Cây căm xe cổ thụ nằm ngoài dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận
Vị trí làm dự án cách khu dân cư hiện hữu vài cây số. Tại đây, nước sông Bà Bích (dự kiến sẽ chặn dòng tạo hồ) đang đổ ào ạt từ thượng nguồn về do đang là mùa mưa.
Nhiều cây rừng đường kính 20 - 35cm xanh um
Vùng làm dự án cây cối đang xanh um, rải rác có vài hộ dân địa phương đang tranh thủ làm lúa, trồng bắp trong mùa mưa. Các cán bộ quản lý rừng cho biết mùa mưa cây cối xanh um, tươi mát nhưng đến mùa khô là cằn cỗi, rụng lá và phải lo chống cháy.
Trước khi đến khu vực dự kiến chặn dòng, trên đường vào dự án, phóng viên Tuổi Trẻ chứng kiến có nhiều cây rừng họ dầu với đường kính khoảng 20 - 35cm đang xanh um. Xen lẫn cây dầu này là bằng lăng, tre nứa và dây leo.
Tại vị trí dự kiến làm dự án, ông Lê Thanh Sơn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận - khẳng định rừng nơi đây đã từng được khai thác lâm sản tự nhiên. Đến khoảng năm 2002, Chính phủ có chủ trương ngưng khai thác thì rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ đó đến nay có nhiều cây tái sinh.
Theo ông Sơn, diện tích rừng "nhường chỗ" cho dự án phần lớn là hỗn giao gồm nhiều loại cây tre nứa, dây leo, xen kẽ là cây họ dầu, bằng lăng và căm xe. "Những cây gỗ lớn, gỗ quý đã được khai thác từ xưa. Vì vậy hiện trạng bây giờ gần như là không còn, nếu còn cũng rất ít", ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho biết thêm hồ chứa nước tại khu vực này đã được Thủ tướng quy hoạch từ năm 1995. Từ đó đến nay, quy hoạch vẫn tiếp tục được duy trì. Do tỉnh thiếu nguồn lực, nguồn vốn nên đến năm 2015 mới triển khai các thủ tục cho dự án. Năm 2019, Quốc hội thông qua chủ trương.
"Rừng cũng quý, nhưng làm hồ quan trọng hơn"
Vì sao tỉnh Bình Thuận nhất quyết làm hồ chứa nước trên đất rừng mà không ở nơi khác để giảm thiểu tác động tiêu cực? Trả lời câu hỏi này, ông Sơn cho hay làm hồ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố địa hình.
"Đây là tích nước tự nhiên, không phải đào lên tạo thành hồ. Hai bên sông Bà Bích là dãy núi nên rất thuận tiện. Khi dòng chảy được ngăn lại thì nước dâng lên theo khả năng dung tích hồ chứa.
Nước dâng lên đạt cao trình tích nước khoảng 51 triệu m3 thì tiếp tục trung chuyển về hạ lưu phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp.
Tại vị trí làm hồ cao hơn 150m so với mực nước biển. Nguyên tắc làm hồ là ở nơi cao để cấp nước bên dưới, không thể ngược lại. Hồ này còn có nhiệm vụ dẫn nước về bên dưới các hồ nhỏ hơn. Vì vậy, trải qua nhiều quá trình tính toán và khảo sát thì nơi đây là hợp lý nhất", ông Sơn giải thích.
Ông Sơn cho rằng việc làm dự án này đã được tính toán kỹ lưỡng, các chuyên gia và nhà khoa học cũng đến khảo sát. Địa phương đã thông qua nhiều kỳ họp, nhiều đoàn kiểm tra của trung ương và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đến khảo sát.
Theo ông Sơn, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh hiện có khoảng 360.000ha, riêng dự án này chiếm khoảng 0,15%.
"Rừng hiển nhiên là quý, có lợi. Nhưng làm hồ cũng có lợi. Người dân không thể thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp được. Vì vậy địa phương đã tính toán phương án tối ưu nhất là làm hồ", ông Sơn nói tiếp.
Xử lý số cây gỗ rừng trong dự án như thế nào?
Về trữ lượng gỗ tại khu vực lõi dự án, ông Lê Thanh Sơn nói bước đầu khi lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn độc lập (thuộc Bộ NN&PTNT) đã khảo sát ban đầu, tính toán không quá lớn.
Theo ông, bởi nơi đây từng được khai thác chọn để cung cấp gỗ cho thị trường từ năm 1983 - 2002. Theo quy định, dự án này phải trồng rừng thay thế khoảng 1.800ha (gấp 3 lần).
Hiện sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát tất cả quỹ đất trống để trồng thay thế. Việc trồng thay thế cũng phải phúc tra, kiểm soát nghiêm để đảm bảo các tiêu chí trồng rừng thay thế. Dự kiến việc trồng rừng sẽ kéo dài đến năm 2025, tức cùng lúc dự án đưa vào khai thác.
"Lâm sản trong vùng ngập lòng hồ phải được đấu giá và nộp vào ngân sách. Trong phương án khai thác phải đo đếm từng cây, đặc biệt là cây có đường kính từ 10cm trở lên. Các cây này sẽ phân ra thành từng loài, nhóm gỗ thì sẽ xác định được giá trị.
Còn diện tích rừng ngoài dự án vẫn giữ nguyên, không tác động tới. Chỉ khai thác phần trong lòng hồ, đồng thời không làm bất cứ công trình nào khác", ông Sơn nói thêm.
Bà NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):
Quy trình thẩm tra rất chặt chẽ
Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019).
Quy trình thẩm tra dự án được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Với dự án hồ Ka Pét là dự án nhỏ, thuộc nhóm B nhưng do có tiêu chí chuyển đổi diện tích rừng nên theo quy định pháp luật Quốc hội phải cho chủ trương đầu tư. Đồng thời Chính phủ phải trình hồ sơ chứ không phải UBND tỉnh Bình Thuận.
Để trình hồ sơ, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ càng trước khi trình, trong đó đảm bảo tính chính xác của số liệu, đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra để trình hồ sơ.
Chính phủ đã làm rất kỹ các bước này và có hội đồng thẩm định chặt chẽ. Địa phương cũng đã thuê các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn để khảo sát, đánh giá và việc thống kê rừng cũng phải theo các phương pháp, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du.
Bên cạnh đó còn phục vụ cho sản xuất công nghiệp khi gần đó có khu công nghiệp. Khi có nước mới giúp phát triển công nghiệp, từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội.
Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, quy trình thẩm tra dự án hồ chứa nước Ka Pét được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.