Thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ), bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp khá đặc biệt, một bé trai được chẩn đoán bị viêm tụy cấp mức độ nặng.
Bệnh nhi là bé V.G.T. (12 tuổi, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), trước đó tại nhà bé bị đau bụng (vùng trên rốn), kèm nôn ói nhiều lần sau khi ăn, ngày khoảng 10 lần.
Theo người nhà, bé thường nôn ra thức ăn, nước, sau đó dịch trắng và cuối cùng là dịch xanh. Đồng thời em than mệt mỏi nhiều, liên tục khát, không sốt, không đi tiêu lỏng…
Nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa thông thường, gia đình có đưa đến khám và điều trị tại một cơ sở y tế gần nhà nhưng tình trạng nôn ói không giảm.
Nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, bé T. trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, nôn nhiều, đau bụng vùng thượng vị, bụng mềm chướng hơi, ấn đau... Các bác sĩ thăm khám và chỉ định xét nghiệm, siêu ẩm để chẩn đoán bệnh. Bệnh nhi được truyền dịch, điều trị triệu chứng, hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời tạm nhịn ăn đường tiêu hóa để kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhi có Amylase/máu tăng cao gấp 9 lần bình thường, lipase/máu tăng hơn 20 lần so với bình thường, chụp cắt lớp vi tính bụng có hình ảnh viêm tụy cấp mức độ E theo thang điểm Balthazar. Ê kíp điều trị chẩn đoán xác định bé bị viêm tụy cấp.
Sau khoảng 1 tuần điều trị theo phác đồ viêm tụy cấp trẻ em, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện tốt, hết đau bụng, không nôn thêm, không sốt, ăn uống khá hơn, kết quả các xét nghiệm cũng cải thiện về gần như bình thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Nguyễn Yến Trang - phó trưởng khoa nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Viêm tụy cấp là một tình trạng viêm của tuyến tụy, tổn thương tế bào nang tuyến do sự tiêu hủy của các men tụy.
Triệu chứng của viêm tụy cấp ở trẻ em thường khó để nhận biết, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý biểu hiện khi trẻ đau bụng, thường có triệu chứng đau nhiều ở vùng thượng vị bên trái; kèm theo nôn ói; bụng sưng to và cứng; có thể khó tiêu hoặc tiêu chảy (dẫn đến mất nước và khát nước)...
Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện đau bụng bất thường như trên, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Viêm tụy cấp thường xảy ra ở nười trưởng thành, người có nguy cơ cao là sử dụng rượu bia nhiều, ăn uống không lành mạnh và ít xảy ra ở trẻ em. Bệnh còn có thể do các nguyên nhân khác như chấn thương, nhiễm siêu vi, nhiễm ký sinh trùng, sỏi đường mật, rối loạn chuyển hóa, di truyền...
Viêm tụy cấp là một tình trạng bệnh cấp cứu, cần được chẩn đoán sớm và điều trị khẩn trương để tránh biến chứng nguy hiểm như: sốc giảm thể tích, suy đa cơ quan, xuất huyết tụy, hoại tử tụy, áp xe tụy, nhiễm trùng nặng, rối loạn điện giải… có thể gây tử vong, bác sĩ Trang nói.
TTO - Những người có lối sống thiếu tôn trọng sức khỏe bản thân, cùng với việc sử dụng rượu bia, thuốc lá và ăn uống nhiều chất béo có thể khiến tuyến tụy ngày càng suy yếu, dẫn đến viêm tụy.