Để các động vật quý hiếm có thể sinh sản được trong môi trường nuôi nhốt đòi hỏi phải có quá trình chăm sóc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, phải đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng và cho động vật cảm giác thân thuộc với thiên nhiên. Đó là nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhân viên Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1, TP.HCM).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Khắc Trung Trực - giám đốc Xí nghiệp động vật, thuộc Thảo cầm viên Sài Gòn - cho biết từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều động vật sinh con. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như hươu cao cổ, hổ, hà mã…
Cụ thể vào tháng 5, Thảo cầm viên đã đón hai chú hổ con Bengal chào đời. Cha của hai hổ con là hổ Bengal đực được sinh ra tại Thảo cầm viên vào năm 2014. Mẹ của chúng là 1 trong 4 hổ Bengal được Thảo cầm viên tiếp nhận cứu hộ từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương vào ngày 23-2-2022.
Hai chú hổ con được đặt tên Bình và Dương để ghi nhận sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương.
Cho đến đầu tháng 8, thêm một hà mã con "kháu khỉnh" đã chào đời. Mặc dù sinh trưởng trong môi trường nuôi nhốt, tình trạng sức khỏe của các động vật con khá ổn định, ăn uống bình thường.
"Chúng tôi luôn cố gắng tạo dựng môi trường gần gũi với tự nhiên để thuận lợi cho việc sinh sản của các loài động vật. Một số loài sinh hoàn toàn không có sự can thiệp của con người. Điều này giúp con non có thể phát triển một cách tự nhiên. Ngoài ra chúng sẽ dễ hòa nhập với những cá thể khác, vừa tiết kiệm được chi phí", ông Trực nói.
Ông Trực cũng chia sẻ thêm, tùy vào đặc điểm của mỗi loài động vật, Thảo cầm viên Sài Gòn sẽ có chế độ chăm sóc khác nhau. Do đó đơn vị khuyến cáo du khách không tự ý cho động vật ăn vì dễ gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của động vật tại đây.
"Đơn vị có nơi bán thức ăn đã qua kiểm định để du khách có thể mua và cho thú ăn. Điều này không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật", ông Trực cho biết thêm.
Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 (đến nay đã 159 năm), đây là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới.
Cho đến nay, Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng hơn 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm như: trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm... Tại đây cũng có hơn 2.500 cây xanh với hơn 900 loài thực vật được bảo tồn.
Hươu vàng tại Thảo cầm viên sinh trưởng tốt
Tại Thảo cầm viên Sài Gòn, số lượng hươu vàng đã chuyển biến tích cực. Các cá thể đều được đánh giá có sức khỏe tốt. Ông Mai Khắc Trung Trực cho biết vì số lượng ngoài tự nhiên đang giảm đáng kể, hươu vàng đã được liệt trong Sách đỏ Việt Nam.
Ông Trực chia sẻ đơn vị có mong muốn khi có những chương trình và điều kiện thích hợp sẽ thả các cá thể hươu vàng trở về tự nhiên, nhất là nơi từng phân bố nhiều để góp phần phục hồi hệ sinh thái.
Sáng 21-8, Thảo cầm viên Sài Gòn phát động cuộc thi ảnh kỷ niệm 160 năm, sân chơi không chỉ dành cho giới nhiếp ảnh mà còn cho người dân, du khách.