Giá dầu thô Brent của Anh có lúc tăng lên 90,18 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ có lúc đạt 86,81 USD/thùng.
Trước đó một ngày, hãng tin TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow sẽ tiếp tục cắt giảm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Theo ông Novak, quyết định này nhằm củng cố các biện pháp phòng ngừa đã được OPEC+ thực hiện để duy trì sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu bên ngoài.
Cũng với lý do tương tự, Ả Rập Saudi thông báo tiếp tục cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 12-2023. Cả Ả Rập Saudi và Nga cho biết sẽ xem xét quyết định cắt giảm sau mỗi tháng và có điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thị trường.
Một nhà máy lọc dầu ở TP Volgograd – Nga Ảnh: Reuters
Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty Rystad Energy (Na Uy), nhận định bước đi mới nhất của Nga và Ả Rập Saudi khiến thị trường dầu thắt chặt hơn nữa.
Theo ông Leon, không dễ dự đoán tác động của diễn biến này lên lạm phát và chính sách kinh tế ở phương Tây. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn sẽ chỉ làm tăng khả năng các nước siết chặt tài khóa để kiềm chế lạm phát.
Tại cuộc họp vào tháng 8-2023, OPEC+ đồng ý duy trì chính sách sản lượng khai thác hiện tại. Liên minh gồm 23 thành viên này có tổng sản lượng cắt giảm lên đến 3,66 triệu thùng/ngày.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), nhận định sự linh hoạt về chính sách cho phép Ả Rập Saudi duy trì kiểm soát thị trường dầu. UBS dự báo thị trường dầu sẽ thiếu hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023, cũng như giá dầu Brent sẽ tăng lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay.
Xem thêm: nhc.636548301709032881-uad-gnoul-nas-maig-cut-peit-agn-iduas-par-a/nv.fefac