Ngày 7-9, tiếp tục chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Các nước cũng cho rằng cần tận dụng hiệu quả tiềm năng của thị trường 1,5 tỉ dân và chiếm 1/3 GDP toàn cầu, tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại và đầu tư, củng cố kết nối, tự cường chuỗi cung ứng, triển khai hiệu quả Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Thành lập Quỹ ASEAN - Ấn Độ vì tương lai số
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Ấn Độ đã công bố thành lập Quỹ ASEAN - Ấn Độ vì tương lai số. Hội nghị cũng đã thông qua các tuyên bố chung về hợp tác biển và tăng cường an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Đồng quan điểm về việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, đảm bảo chuỗi cung ứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kết nối hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, thúc đẩy chuyển đổi số rất quan trọng.
Vì vậy, hai bên cần dành nguồn lực thích đáng hơn để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mong muốn mở rộng tới Việt Nam và lan tỏa khắp ASEAN, cả về đường bộ, hàng hải và hàng không.
Trên tinh thần “không bỏ ai ở lại phía sau”, Thủ tướng đề nghị Ấn Độ đẩy mạnh triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN và phát triển tiểu vùng Mekong. Bao gồm thông qua hợp tác Mekong - sông Hằng, nhằm làm sâu sắc hơn nữa kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững giữa ASEAN và Ấn Độ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển đồng đều.
Đưa ASEAN thành tâm điểm giao thương, kết nối chuỗi cung ứng
Tại Hội nghị Cấp cao EAS-18 (EAS - gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ), lãnh đạo các nước đối tác cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế...
Các bên ưu tiên thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hợp tác biển, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời mở rộng các lĩnh vực mới, đầy tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Có bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi EAS có quy mô trên 54% dân số thế giới và khoảng 62% GDP toàn cầu.
Để phát huy được vai trò và giá trị, Thủ tướng cho rằng cần kiên trì với những nguyên tắc cơ bản, củng cố lòng tin, hành xử xây dựng và có trách nhiệm. ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy, cùng ứng phó các thách thức chung.
Để tăng trưởng bao trùm, các chính sách cần mang tính dài hạn để đưa EAS trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trên nền tảng hợp tác công tư...
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng nền tảng là đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành. Trong đó, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố DOC chính là những công cụ rất hữu hiệu để phục vụ cho mục tiêu chung, hòa bình, ổn định của khu vực.
Thủ tướng bày tỏ tinh thần này sẽ lan tỏa tới các nước, trong đó có xung đột ở Ukraine đang diễn ra, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang tác động sâu rộng. Thủ tướng kêu gọi tất cả các nước phải đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, cùng nhau giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
ASEAN tiếp tục hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn
Về các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine… các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, phục vụ nỗ lực tăng trưởng.
Nêu ý kiến, Thủ tướng cùng các nước ASEAN tái khẳng định lập trường chung về Biển Đông, nhấn mạnh đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là lợi ích của tất cả các quốc gia, đề nghị các đối tác ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chia sẻ về tình hình Myanmar, Thủ tướng khẳng định ASEAN đã đi đầu và sẽ tiếp tục dẫn dắt trong quá trình hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn trên cơ sở Đồng thuận 5 điểm và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào tiến trình này và viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 6-9.