Ngày 7-9, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ngân hàng đang phải 'chữa bệnh thừa tiền'
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nói chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.
Ngân hàng Nhà nước cùng toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê).
Đồng thời ban hành chính sách gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay… Tuy nhiên việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn do doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. Đây là vấn đề rất khó.
Tính đến ngày 29-8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương 1 triệu tỉ đồng.
Về giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, phát biểu tại cuộc họp, các chuyên gia đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ như hạ lãi vay cũng cần phải tăng thêm liều lượng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân từ chính sách tài khóa.
Theo đó, PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế - cho rằng nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"…
Thực hiện hiệu quả việc gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí...
Kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn.
Đồng thời, rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất với mặt bằng hợp lý…
Đối với Bộ Tài chính, Phó thủ tướng đề nghị điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành; đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa được hoàn thuế VAT, trong đó một số doanh nghiệp có số tiền hàng trăm tỉ đồng.