Có điện, đường, trường, trạm nhưng bao năm qua bà con Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM lại thường trực một nỗi lo… cấp cứu.
Từ nỗi niềm ấy, ai cũng mong muốn rồi đây điều kiện sống của Cần Giờ sẽ được tốt hơn để có thể khắc phục trở ngại sông nước, đưa người dân xã đảo gần hơn với thành phố. Đặc biệt là đủ phương tiện để cấp cứu, chuyển bệnh, chăm lo sức khỏe cho người dân xã đảo tiền tiêu này.
Ghe cập bến đã có mấy chú xe ôm chờ sẵn bế anh từ ghe lên bờ chở về nhà trọ miễn phí - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ chiều hôm trước, Huỳnh Tấn Tài được người thân bế lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm, chàng trai 34 tuổi này cứ thấp thỏm chờ trời sáng bắt xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chạy thận. Cả đi lẫn về mất 25 tiếng, với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối của Tài, đó chẳng khác nào hành xác.
Thoạt nghe có vẻ khó tin nhưng lại là hành trình quen thuộc suốt gần 3 năm qua của Tài để được chạy thận duy trì sự sống. Và ở xã đảo duy nhất của TP.HCM, chuyện người dân phải "vượt sóng" vào đất liền thuê trọ đi chữa bệnh không còn là cá biệt.
Xã đảo Thạnh An những ngày cuối tháng 7-2023 trời âm u. Do ảnh hưởng của bão, chốc chốc lại có một cơn mưa nặng hạt. Thời tiết bất ổn là vậy nhưng Tài không mấy bận tâm. "Phải đi thôi", thở một hơi thật dài, anh khó nhọc đứng dậy mặc quần và áo khoác. Trong cơn mưa chiều muộn, vẫn như thường lệ "anh Phú xe ôm" đến đón Tài chở xuống bến đò cách nhà 400m rồi bế lên ghe.
Bệnh của Tài khắp xã đảo cho đến bên kia đất liền ai cũng thấu. Ghe gần cập bến, từ xa đã có mấy chú xe ôm chờ sẵn bế anh chở miễn phí về nhà trọ. "Lên ghe, xuống ghe, nếu không có mấy chú xe ôm, tôi không biết phải làm sao" - bà Minh (mẹ của Tài) cảm kích.
Chân của Tài co duỗi quá khó khăn nên dù lên ghe cũng không thể vào trong ngồi trú mưa nắng. Không biết bao lần chỉ với manh áo mưa, anh một mình ngồi co ro làm ai cũng ái ngại. "Mưa gió thế nào cũng phải rời nhà lên thành phố, một tuần ba ngày. Bỏ lỡ một cữ sợ sẽ không còn đủ sức lực để duy trì chạy thận" - Tài tâm sự.
Ở thị trấn Cần Thạnh, nhà trọ Khả Hân trên đường Tắc Xuất từ lâu đã trở thành "ngôi nhà thứ hai" của mẹ con Tài mỗi khi vào đất liền chạy thận. Căn phòng rộng chừng 20m2 ấy được trang bị đầy đủ giường, ghế bố, quạt và có thêm một máy trợ thở đặt ngay chân giường - vật vốn "bất ly thân" kể từ ngày Tài đổ bệnh. Và đặc biệt hơn cả, tất cả đồ dùng này đều được mọi người cho tặng.
Chiếc máy trợ thở là món quà do ông Nguyễn Văn Hiếu - bí thư xã đảo Thạnh An - vận động nhà hảo tâm mua tặng. Chiếc võng để Tài ngả lưng kia là của chú Tĩnh - người trông coi bến đò Cần Thạnh, còn chiếc giường và chiếc quạt là của vợ chồng chú Sáu bán hủ tiếu đối diện phòng trọ. Cũng vì ái ngại cho bệnh tình của chàng trai trẻ, vợ chồng chú Sáu hủ tiếu còn mang chiếc ghế nhựa cho Tài ngồi đỡ mỏi chân mỗi khi chờ xe lên thành phố.
Mỗi khi qua đất liền thuê trọ, Tài nói mình hầu như "không ngủ" mà chỉ ngồi chờ trời sáng để được chạy thận. Bao đêm vẫn vậy, vẫn góc giường ấy, hình ảnh Tài ngồi lặng lẽ bên ánh đèn cùng với tiếng máy trợ thở kêu "phì phò". Có khi mệt lả, Tài lại ngồi gục đầu bấm các nốt chai sần trên tay - dấu tích của vô số lần bị đâm kim lọc máu.
Mỗi khi chứng kiến con thức, lòng người mẹ năm nay bước sang tuổi 58 cũng không tài nào ngủ nổi. Cũng không biết bao lần bà thức trắng cùng con, cùng chờ trời sáng rồi lại cùng con vượt gần 80km vào bệnh viện cho kịp giờ chạy thận. Cứ như thế, thấm thoắt cũng đã gần ba năm, hành trình chạy thận của Tài cứ lặp đi lặp lại, từ nhà - bến đò - nhà trọ - nhà xe - bệnh viện và ngược lại. Tất cả phải được lập trình trơn tru, bởi chỉ cần chậm một nhịp sẽ mất thêm một ngày chờ đợi và Tài cũng mất đi cơ hội được chạy thận duy trì sự sống…
Tình trạng của anh Tài hiện khá éo le, bởi vừa suy thận giai đoạn cuối, vừa mang bệnh nền suy tim - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Vũ Thị Minh Hoa - trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - chia sẻ tình trạng của Tài hiện khá éo le bởi vừa suy thận giai đoạn cuối, vừa mang bệnh nền suy tim. Việc phải di chuyển nhiều trong điều kiện không đảm bảo nhiễm khuẩn đã khiến Tài bị nhiễm trùng, buộc phải thay đổi qua lọc máu chạy thận định kỳ.
Câu chuyện ghép thận cho Tài cũng là bài toán đang còn bỏ ngỏ. Chẳng những tốn kém nhiều tiền, theo bác sĩ Hoa, nếu ghép sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt nguy cơ tử vong trong phẫu thuật rất cao.
"Chúng tôi rất thấu hiểu sự khó khăn của các bệnh nhân trên xã đảo và đã cố gắng sắp xếp thuận tiện lịch chạy thận để bà con tiện giờ lên xe, lên ghe về đảo" - bác sĩ Hoa nói và bày tỏ sự đáng tiếc khi một số bà con trên xã đảo có chỉ định chạy thận đành gác lại do điều kiện khó khăn, đường đi lại xa xôi cách trở.
Và có lẽ Tài chỉ là số ít vượt qua nghịch cảnh về thời gian, khoảng cách và điều kiện kinh tế để chạy thận. "Tôi chỉ mong sao Bệnh viện Cần Giờ sớm có thể chạy thận, đó cũng là cách tốt nhất giúp bà con xã đảo đỡ mất sức, tốn tiền bạc tới lui lên thành phố" - Tài lặng nhìn ra dòng sông Sài Gòn nơi có những đám lục bình trôi lững lờ mong ước.
Ngày đầu đặt chân ra đảo, bác sĩ trẻ Ngô Trí Thành nhận ngay nhiệm vụ đặc biệt: Chuyển cụ bà nhồi máu cơ tim vào đất liền cấp cứu. Mưa to, gió rít liên hồi, ngồi trên ca nô lao ra vùng biển tối như mực, chàng trai trẻ chột dạ "có khi nào là lần cuối cùng của mình".
Vậy mà cho đến hôm nay sau gần hai tháng từ đất liền ra Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM, bác sĩ Ngô Trí Thành (28 tuổi) cùng đồng nghiệp Mai Thị Ngọc Hà (30 tuổi) đến từ Bệnh viện Nhân dân 115 đã trực tiếp thăm khám, vận chuyển nhiều ca cấp cứu thót tim như thế...
Thành còn nhớ như in, đó là đêm 16-6, lúc ấy tầm 20h, bà N.T.T. (69 tuổi) được người nhà gấp gáp chở đến trạm y tế cấp cứu với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở.
Chàng bác sĩ trẻ quê xứ Nghệ giật mình trước các chỉ số đo nhịp tim và huyết áp. "Nhịp tim cao quá" - với kinh nghiệm công tác tại bệnh viện tuyến cuối, anh thừa hiểu tuổi cao sức yếu và mang nhiều bệnh nền như bà cụ, điều gì sẽ ập đến nếu chậm trễ cấp cứu.
"Bà cụ có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, xin hội chẩn chuyển cấp cứu ngay" - Thành tức tốc báo cho bác sĩ Luân Thanh Trường - trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An. Ngay lập tức, một cuộc gọi từ xã đảo vào Bệnh viện huyện Cần Giờ yêu cầu "tiếp nhận cấp cứu". Lúc bấy giờ ngoài trời đang mưa to, Thành có phần lo sợ không biết phải vận chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng cách nào cho an toàn.
Giữa đêm khuya, Thành cùng bác sĩ Hà khoác vội áo mưa, cắt cử người xách dụng cụ y tế, người kia nhanh chóng hỗ trợ quấn ni lông quanh người bà cụ khỏi ướt, rồi bế lên cáng chở ra bến đò, nơi tài công đã nổ máy đợi sẵn. Mưa ngày càng nặng hạt, gió thổi mỗi lúc một lớn, vùng biển mênh mông phía trước cũng tối đen như mực. Chiếc ca nô chở năm người (gồm bệnh nhân, người nhà, hai bác sĩ và người lái ca nô) chẳng khác gì một chiếc lá nhỏ đang tròng trành theo con sóng.
"Bà ơi, bà cố gắng lên chút nhé, ca nô sắp đến đất liền rồi ạ" - ngồi theo dõi sát diễn biến sức khỏe bà cụ, Thành cùng đồng nghiệp liên tục động viên. "Tôi sợ có điều gì bất trắc xảy ra với bệnh nhân khi vận chuyển. Bởi ca nô chật chội rất khó xoay trở khi gặp sự cố cần xử trí, nhất là khi bệnh nhân ngưng tim ngưng thở dọc đường" - Thành kể và thở phào cho biết những lo lắng ấy may mắn đã không xảy ra, ca nô cuối cùng cũng đã cập bến Cần Thạnh an toàn sau gần một tiếng di chuyển thót tim trên biển.
Bác sĩ Luân Thanh Trường - trạm trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An - đến tận nhà thăm khám cho anh Tài - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sống cô lập trên biển Cần Giờ (TP.HCM), bao năm qua, điều người dân xã đảo Thạnh An lo sợ nhất không phải thiếu ăn thiếu mặc, mà là lúc trái gió trở trời đổ bệnh phải cấp cứu.
Bác sĩ Luân Thanh Trường - người có gần 20 năm gắn bó với xã đảo tiền tiêu này - nói quá "thấm" với nỗi khổ ấy của bà con. Chính ông và các đồng nghiệp trên đảo đã không biết bao lần bất đắc dĩ phải đưa người bệnh lên ca nô vượt biển vào đất liền cấp cứu. Có ca may mắn thành công, nhưng có ca không kịp giành lại sự sống cho người bệnh.
Cũng từ thấu hiểu sự thiệt thòi của bà con trên đảo mà cuối năm 2022, TP.HCM đã chính thức đưa chương trình luân phiên bác sĩ từ các bệnh viện ra xã đảo tình nguyện. Đã và đang có 14 bác sĩ đến từ bảy bệnh viện xung phong ra đảo, mỗi đợt hai bác sĩ với thời gian dài hai tháng.
Bác sĩ Trường nói nhờ đó mà xã đảo như được "tiếp sức" về mặt chuyên môn, người dân cũng được thăm khám, tư vấn và chỉ định tốt hơn. Tuy vậy, ông vẫn trĩu nặng nỗi lo vận chuyển cấp cứu mỗi khi có các ca bệnh nặng.
Chị Hoàng Thị Phượng (28 tuổi, Bệnh viện Nhân Ái) là một trong bốn bác sĩ đầu tiên xung phong đến với xã đảo, cũng là người trực tiếp vận chuyển 18 ca đi cấp cứu vào đất liền. Với cô bác sĩ trẻ này, mỗi lần cấp cứu là một lần thót tim. "Trong 18 ca, có rất nhiều ca cấp cứu nguy hiểm. Có trường hợp khi trời dông bão quá không thể sử dụng ca nô để đi được mà phải huy động ghe thường của người dân" - bác sĩ Phượng nói.
Không chỉ sơ cứu cho bệnh nhân, Phượng còn cùng đồng nghiệp khiêng bình oxy cho bệnh nhân thở. Ca nô quá nhỏ và thô sơ, lại không được trang bị đầy đủ thiết bị cứu người nên cô cũng thường phải "cõng" theo hàng tá vật tư y tế phòng mỗi khi cần cấp cứu. Trở về đất liền, Phượng bảo ngoài các lần thót tim cấp cứu trên biển, cô rất trăn trở về câu chuyện nhiều bệnh nhân từ bỏ chạy thận chỉ vì khó khăn và đường xa xôi.
"Tôi hiểu người dân trên đảo muốn có đủ thuốc men, trang thiết bị y tế hơn để đỡ phải lên thành phố vất vả. Họ cũng mong có phương tiện cấp cứu an toàn, đó là mong ước rất chính đáng" - bác sĩ Phượng bày tỏ.
Và nếu mong ước ấy trở thành sự thật, đó chắc chắn sẽ là "phao cứu sinh" cho bà con xã đảo, cũng như của cả ngư dân đang mưu sinh trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc.
HOÀNG LỘC - THU HIẾN - DUYÊN PHAN
Trình bày: VÕ TÂN
Xem thêm: mth.77833448182803202-oig-nac-na-hnaht-oad-ax-ut-mein-ion/nv.ertiout