Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Giao thông vận tải về những đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện.
Ngân sách nhà nước ưu tiên cho người nghèo
Trong đó, với nội dung dự thảo báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện, Bộ Tài chính đã bác bỏ.
Góp ý dự thảo này, Bộ Tài chính cho rằng một số quốc gia khác có hỗ trợ tiền cho người tiêu thụ xe điện nhưng chính sách trên không phù hợp với bối cảnh của Việt Nam bởi ngân sách còn nhiều khó khăn, Nhà nước phải cân đối nguồn lực cho nhiều chương trình, dự án an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng.
Do đó, theo Bộ Tài chính, việc hỗ trợ tiền cho người mua ô tô điện sẽ tạo áp lực lên chi tiêu ngân sách.
Mặt khác, hiện các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên cho người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, người mua ô tô nói chung là người có thu nhập cao, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.
Chính sách này nếu được ban hành sẽ dễ gây phản ứng trái chiều từ dư luận.
Không hẳn hỗ trợ người giàu
Khánh Linh, phụ trách kinh doanh công ty thiết bị điện tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết đã "bỏ bụng" với đề xuất khách được hỗ trợ 1.000 USD mua xe điện nhưng nay lại bị bác khiến chị khá hụt hẫng. Bởi theo Linh, xe điện là xu hướng. Trên đường, trạm sạc, xe điện xuất hiện ngày càng nhiều. Ở các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc xe điện ngày càng bán chạy nhờ có chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách trợ giá bằng tiền.
Một số ý kiến dù không phản đối quan điểm của Bộ Tài chính nhưng cũng cho rằng có góc nhìn khác. Ví dụ nhìn ở góc độ rộng hơn, hỗ trợ xe điện không hẳn hỗ trợ người giàu mà cũng giải quyết bài toán ô nhiễm đô thị, phát triển hệ thống giao thông xanh. Hỗ trợ có lớn nhưng Nhà nước cũng khuyến khích sản xuất, vẫn thu được thuế, trong khi có thể giảm nguy cơ bệnh tật và chi phí y tế.
"Mỗi ngày chúng ta đối diện tắc đường, ai cũng ngán ngẩm với nồng nặc mùi khói xe. Cá nhân tôi thấy nếu Nhà nước hỗ trợ xe điện là đang hỗ trợ những người dân đô thị chăm chỉ nộp thuế như tôi, dù tôi chưa đủ tiền mua xe điện", anh Trần Phương (Đống Đa, Hà Nội) nói.
"Đường phố mà toàn xe điện thì không khí trong lành, cảm thấy mát mẻ, không ồn ào tiếng máy nổ và mùi xăng độc hại. Một đất nước xanh phải là một đất nước chủ yếu hoạt động bằng xe điện. Đâu phải ai mua xe cũng là giàu có. Xe là phương tiện. Mua xe để chạy dịch vụ, có trợ giá bằng tiền sẽ kích thích người dân thay đổi nhanh hơn" - chị Khánh Linh bày tỏ góc nhìn của mình.
Có nhiều phương án hỗ trợ
Ông Trần Như Phương - phó giám đốc đại lý Suối Tiên Ford (TP.HCM) - cho rằng đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện bị bác bỏ sẽ gây tiếc nuối với khách hàng, kể cả doanh nghiệp kinh doanh ô tô.
Nhiều quốc gia khác đã có những chính sách hỗ trợ bằng tiền. Nhưng ở góc nhìn của ông, chính sách hỗ trợ thúc đẩy xe điện có nhiều cách khác nhau, không nhất thiết hỗ trợ bằng tiền. Trong giai đoạn còn nhiều thách thức, hỗ trợ tiền chi ra chi vào sẽ rất khó khăn, chưa kể còn nảy sinh nhiều vấn đề khác. Thay vì vậy, hỗ trợ miễn, giảm phí trước bạ hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Trước đây khuyến khích người dân dùng máy nước nóng năng lượng mặt trời được hỗ trợ một số tiền nên thúc đẩy xu hướng rất tốt. Với ô tô giá trị cao, hỗ trợ tiền sẽ khá khó khăn" - ông Phương nêu quan điểm.
Hiện nay, làn sóng xe điện có bước phát triển rõ nét, tuy nhiên cơ sở hạ tầng để đáp ứng là bài toán cần thiết. Doanh nghiệp đang đầu tư mạnh về trạm sạc nhưng có hiện tượng mạnh ai nấy làm. Vì vậy, ông Phương đề nghị cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi trong việc lắp đặt, xây dựng trạm sạc hoặc ưu đãi về giá điện... để doanh nghiệp tự tin đầu tư.
Bác việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện...
Bộ Tài chính cũng bác bỏ đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, nhập khẩu ô tô điện.
Theo Bộ Tài chính, pháp luật về thuế hiện hành đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô điện trong nước và pin xe điện; không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất ô tô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.
Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện như chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất, lắp ráp từ 2017 và kéo dài đến hết 2027, chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024; đối với dự án sản xuất pin nhiên liệu, pin lithium thuộc đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư nên được miễn thuế nguyên liệu, vật tư trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Bên cạnh đó, việc đặt vấn đề miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô điện nguyên chiếc như kiến nghị của một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải vừa lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội lần 2 về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, sử dụng năng lượng xanh, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ô tô điện.