vĐồng tin tức tài chính 365

Theo dòng Cổ Chiên - Kỳ 4: Cá cóc, đặc sản lừng danh Cổ Chiên

2023-09-08 11:11
Cá cóc bố mẹ được thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt

Cá cóc bố mẹ được thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt

Ông Hậu than thở: "Hồi xưa cá cóc nặng 2 - 3kg là thường, giờ cá lớn hầu như không còn, dù giá bán lên đến 500.000 - 600.000 đồng/kg. Cá cóc đang trở thành đặc sản quý hiếm của dòng Cổ Chiên".

Đặc sản Cổ Chiên giang

Ông Hậu nói nguyên nhân khiến số lượng cá cóc ngày càng ít, giá cao ngất ngưởng là nạn đánh bắt bằng xung điện kiểu tận diệt "già không bỏ, nhỏ không tha" của những người làm nghề hạ bạc.

Ông Nguyễn Văn Út, ngư dân hơn 40 năm hành nghề câu lưới trên sông Cổ Chiên, cho biết trước thập niên 2000 ngư dân có những phương pháp bắt cá cóc rất đặc biệt, chỉ bắt cá có trọng lượng từ 1kg trở lên chứ không tàn sát tận diệt bất kể lớn, nhỏ.

Ông Út kể cá cóc thuộc họ cá chép, vảy trắng bạc, trên lưng có chiếc gai lớn, thịt rất thơm ngon. Cá cóc sinh sống trong điều kiện nước chảy trên sông Tiền, sông Hậu, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá ở sông Cổ Chiên.

"Cá cóc rất kỳ lạ. Bình thường chúng trú ngụ ở những vực sâu có nhiều xoáy nước nguy hiểm, gốc cây chìm, trụ các cây cầu, bến phà... Mỗi ngày hai lần, khi con nước đứng (lúc thủy triều chuẩn bị lên, dòng nước không chảy trong một thời gian ngắn), cá bơi ra ngoài kiếm ăn, nhưng chỉ ăn ngầm sát đáy sông, nên muốn bắt được cá này phải dụng công rất nhiều dùng hai phương pháp câu và lưới ngầm", ông Út nói.

Theo người ngư dân cao tuổi trên dòng Cổ Chiên này, dân chuyên nghiệp sử dụng câu ngầm để săn cá cóc, mỗi đường câu khoảng 200 - 300 lưỡi câu làm bằng thép tốt. Món mồi khoái khẩu của chúng là tôm lóng còn sống (tôm càng nước ngọt lúc còn nhỏ bằng ngón tay người lớn).

Lưỡi câu phải được móc vào phần đuôi con tôm thả sát đáy sông để con mồi bơi lội thu hút sự chú ý của con cá, bởi tôm chết cá cóc không bao giờ cắn câu. Giăng lưới ngầm không nhạy bằng giăng câu, lưới cũng thả sát đáy sông, nhưng lại có ưu điểm cá mắc lưới là chịu chết, ít khi bị vuột như giăng câu.

Còn cao thủ săn cá cóc là những người chỉ đi câu bằng một chiếc cần câu, kinh nghiệm sông nước cho họ biết nơi nào có cá lớn trú ngụ, nên câu được con nào là xứng đáng con nấy. Ông Út kể trước đây trên khúc sông Tiền, sông Cổ Chiên chảy qua Vĩnh Long có ông Bảy Tương là bậc thầy săn cá cóc.

Lão ngư này hay bơi xuồng chậm rãi trên sông, nhìn vào những xoáy nước là biết nơi nào có cá trú ngụ để thả câu, giăng lưới. Người ta nói, lúc còn trai trẻ ông Bảy Tương chỉ cần lặn xuống nước một hơi, ngoi lên là biết những con cá cóc dưới sông nhiều hay ít, lớn hay nhỏ. Điều đặc biệt là lão ngư này chỉ chọn bắt những con cá có trọng lượng vài ba ký lô trở lên, không bao giờ bắt cá chưa trưởng thành.

Những ngư dân cao tuổi kể trước đây sông Tiền, sông Cổ Chiên, cá cóc rất nhiều, một thợ săn mỗi ngày câu được 20 - 30 con là chuyện thường, nhiều con sống lâu năm có trọng lượng hơn 10kg. Nhưng hơn 20 năm qua do nạn săn bắt ráo riết nên cá cóc ngày càng vắng bóng, loại có trọng lượng từ 5 - 10kg không còn xuất hiện.

"Bây giờ cá cóc đắt như vàng. Nghe ngư dân nào bắt được cá cóc là hàng quán đổ xô đến mua với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, bán ra cho thực khách giá 500.000 - 600.000 đồng/kg, nhưng không có con nào nặng hơn 1kg", ông Út nói.

Theo tài liệu về ngư nghiệp, cá cóc có tên khoa học là Cyclocheilichthys enoplos, thuộc họ cá chép Cyprinidae, có mặt ở một số nước thuộc lưu vực sông Mekong. Ông Út cho biết sở dĩ con cá trắng đẹp mang tên xấu xí là cá cóc bởi mỗi khi bị bắt lên khỏi mặt nước thì nó luôn miệng kêu "cóc, cóc", từ đó ngư dân đặt chết danh.

Cá cóc bị mạo danh

Nhà báo Hùng Hậu, là cựu dân địa phương, kể trước năm 2000 thực khách phương xa hầu như không ai biết đặc sản cá cóc sông Cổ Chiên. Sau đó, có người phát hiện một quán cơm ở phường 1, TP Vĩnh Long thường xuyên bán hai món trứ danh: cá cóc kho lạt bằng nước dừa xiêm ăn với xoài sống bằm và canh chua đầu cá cóc.

Từ đó con cá đặc sản của Cổ Chiên trở nên nổi tiếng, nhiều lữ khách đi ngang Vĩnh Long hay ghé quán cơm thưởng thức món cá đặc sản. Nhiều người còn nói: tới quê hương sông Cổ Chiên mà chưa ăn cá cóc xem như... chưa đến Vĩnh Long.

Do loại cá quý hiếm này bị săn bắt ráo riết, từ năm 2002 các nhà khoa học ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã tìm cách bảo tồn nguồn cá bố mẹ và cho sinh sản nhân tạo loài cá đặc sản này.

Khi bắt tay thực hiện, các kỹ sư thủy sản lặn lội khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, tìm đến các xóm chài lưới đặt mua cá cóc về làm giống. Nhưng trong thời gian dài, những người tìm cách bảo tồn cá cóc chẳng mua được con nào, dù lâu lâu lại nghe cá xuất hiện ở nhà hàng này, quán ăn nọ...

Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, trung tâm cũng mua được gần trăm con cá cóc bố mẹ làm nguồn giống thực hiện sinh sản nhân tạo. Cá tự nhiên được đem về thả trong ao đất với chế độ chăm sóc rất đặc biệt để thích nghi với môi trường nước tĩnh thay vì nước chảy ngoài sông, sau khi cá sống mạnh khỏe thì bắt đầu cho sinh sản nhân tạo.

Hơn năm năm sau, đàn cá cóc bố mẹ của trung tâm thuần dưỡng đã đạt trọng lượng gần 10 kg/con và sinh sản nhân tạo thành công.

Tuy nhiên, việc nhân tạo nuôi cá cóc đại trà như các loại cá hô, cá tra lại gặp khó vì người dân chê cá chậm lớn. "Nuôi con cá cóc trong thời gian một năm, cho ăn tốn kém mà nó chỉ đạt trọng lượng khoảng 300 - 500gram, không mang lại hiệu quả kinh tế như các loài cá khác. Một yếu tố khác là thịt cá cóc nuôi không ngon bằng cá sinh sống ngoài tự nhiên, nên nhiều người chê", ông Út cho hay.

Cá cóc sinh sản nhân tạo, người dân không muốn nuôi, cá ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt vì bị săn bắt kiểu tận diệt, nên mấy năm gần đây con cá cóc nổi tiếng đã bị mạo danh. Ông Út kể, lâu nay trên sông Cổ Chiên có loài cá nhìn tương tự cá cóc, cũng thuộc họ cá chép, vảy trắng bạc, tên gọi cá cầy. Trong khi con cá cóc thuộc hàng đặc sản với giá bán cao ngất ngưởng thì con cá cầy chẳng ai chú ý, giá bán chưa đến 200.000 đồng/kg.

Chính vì cá cóc ngày càng khan hiếm mà nhiều nhà hàng, quán ăn đã đưa con cá cầy vào đội lốt con cá cóc. "Phải là người sành ăn mới phân biệt được đâu là con cá cóc, đâu là con cá cầy. Con cá cầy hình dạng tương tự như con cá cóc, trên lưng cũng có chiếc gai lớn. Nhưng nhìn kỹ thì bề bản và chiều ngang thân mình cá cầy lớn hơn cá cóc, thịt ăn dở ẹc, không thơm ngon như con cá cóc lừng danh ở sông Cổ Chiên", ông Út tâm sự.

Ngoài cá cóc, sông Cổ Chiên còn nổi tiếng với cá bông lau, cá hô. Những ngư dân cao niên như ông Út kể rằng mới cách đây vài mươi năm, cần thủ dày dạn kinh nghiệm có thể câu một buổi được... cả xuồng cá bông lau toàn cỡ 5 - 7kg. Câu nhiều khẳm xuồng, ghe khách nào đi qua, họ liệng cho vài con ăn chơi.

Còn cá hô, loài "cá vua" thì tuần nào ngư dân cũng bắt được một, hai con khủng cỡ năm bảy chục ký là thường. "Nhưng giờ hiếm rồi, cá bông lau thì bự cùm tay cỡ 1 - 2kg đã quý, còn cá hô phải một vài năm mới nghe bắt được một con", ông Út nói.

------------------------

Ngày nay, qua cầu Cổ Chiên lộng gió, nhiều người vẫn chưa quên những chuyến phà nối đôi bờ Bến Tre - Trà Vinh ắp đầy kỷ niệm.

Kỳ tới: Qua cầu Cổ Chiên mà nhớ chuyến phà xưa

Theo dòng Cổ Chiên - Kỳ 3: Ngậm ngùi "vương quốc đỏ" bên dòng phù saTheo dòng Cổ Chiên - Kỳ 3: Ngậm ngùi 'vương quốc đỏ' bên dòng phù sa

Buổi sáng trên tỉnh lộ 902 chạy cặp bờ sông Cổ Chiên từ huyện Long Hồ xuống huyện Mang Thít (Vĩnh Long), người xe tấp nập.

Xem thêm: mth.2364952270903202-neihc-oc-hnad-gnul-nas-cad-coc-ac-4-yk-neihc-oc-gnod-oeht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Theo dòng Cổ Chiên - Kỳ 4: Cá cóc, đặc sản lừng danh Cổ Chiên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools