Sầu riêng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu hoa quả
8 tháng vừa qua, xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm ngoái. Sầu riêng cũng đã trở thành trái cây tỷ đô chỉ trong trong khoảng thời gian là 7 tháng, dẫn đầu về mức tăng trưởng kim ngạch. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của sầu riêng Việt Nam, chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu.
Dự báo, lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc năm nay có thể vượt 1 triệu tấn. Sự bùng nổ nhu cầu của thị trường tỷ dân đang tạo ra cuộc cạnh tranh tại các quốc gia Đông Nam Á.
Thái Lan đã tăng số lượng nhà máy đóng gói và phân loại sầu riêng so với năm ngoái lên con số hơn 500 cơ sở.
8 tháng vừa qua, xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm ngoái. Ảnh: TTXVN.
Giá sầu riêng tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái
Tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước - vùng sầu riêng tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ. Trong bối cảnh sầu riêng các nước khác không còn hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh thì sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tại Đắk Lắk - địa phương có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, giá sầu riêng tại vườn đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại một trong những vườn sầu riêng của bà con nông dân xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giống sầu riêng bà con trồng ở đây là Thái Dona. Thời điểm này năm ngoái, giá thu mua tận vườn cao lắm là 55.000/kg, còn năm nay là hơn 80.000/kg. Thậm chí có nhiều vườn được thương lái chốt mức giá 90 - 100.000 đồng/kg, tăng hơn 40% so với vài năm trở lại đây.
Theo khảo sát của phóng viên, với giá bán hiện tại, hộ nào có 1 ha sầu riêng có thể thu lãi hơn 1,6 tỷ đồng. Hộ nào bị mất mùa 50% do các đợt thời tiết xấu vẫn có thể thu lãi 800 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chính khiến sầu riêng đội giá như thế vì nhu cầu thu mua tăng đột biến, thương lái tranh mua tranh bán.
Giá sầu riêng tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TTXVN.
Ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại, Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Đắk Lắk cho biết: "Hiện tại có một số hợp tác xã mà chúng tôi liên kết nhiều năm qua, nhưng đến bây giờ sẵn sàng hủy hợp đồng đơn phương, vì không đáp ứng được giá cả hiện tại mà người ta đưa ra. Nếu như không có nguồn hàng chúng tôi phải đền cho đối tác nước ngoài rất là lớn".
Ông Trần Hồng Tiến - Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, Đắk Lắk cho biết: "Bà con nên cảnh giác với một số đối tượng đến chốt giá, đẩy giá lên, nhưng sau đó hủy cọc, làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như việc thu mua trên địa bàn. Mong bà con cố gắng là khi đã kí hợp đồng với các công ty sẽ cùng công ty thực hiện đúng hợp đồng đó, để tạo sự uy tín đối với ngành sầu riêng trên địa bàn huyện".
Mặc dù giá sầu riêng Đắk Lắk tăng cao là tín hiệu đáng mừng cho nông dân, nhưng trước tình hình diện tích vùng trồng sầu riêng tăng đột biến liên tục trong 3 năm qua, hệ lụy nguồn cung vượt cầu xảy ra trong những vụ mùa tới là rất đáng lo ngại.
Cùng với đó, hiện tại nông dân đang chủ động chọn thương lái là kênh mua bán chính - trong khi đây lại chính là kênh mua bán vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro như đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản khác.
Hướng đến đạt tiêu chuẩn chất lượng thay cho số lượng
Thay vì chạy theo số lượng chớp cơ hội giá cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh giám sát để đảm bảo chất lượng. Thực tế thời gian thu hoạch sầu riêng rất ngắn, nếu không cắt đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Nhiều giải pháp đã được các bên đưa ra.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, hiện sầu riêng đã có hơn 300 mã số vùng trồng và 100 mã số cơ sở đóng gói. Với số lượng này đã có thể giúp tăng sản lượng xuất khẩu gấp 3 lần năm ngoái. Tuy nhiên, việc kiểm soát để mã số đi liền chất lượng mới là quan trọng.
Để hạn chế tình trạng thu hoạch non, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng ngay tiêu chuẩn thu hoạch trái cây để đảm bảo chất lượng.
Nếu tổ chức sản xuất bài bản, các bên liên kết tạo sức mạnh thì trong những năm tới, sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu. Hiện tại các doanh nghiệp đang dồn vốn đầu tư mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. Bên cạnh xuất khẩu tươi thì sầu riêng sấy, làm kem, cấp đông cũng được quan tâm triển khai.
VTV.vn - Các địa phương của tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm thu hoạch, phân phối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.25592401180903202-gnuhk-pahn-uht-nouv-ahn-oac-gnat-gneir-uas-aig/et-hnik/nv.vtv