Thông tin này được ông Nguyễn Đức Lê - phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết tại tọa đàm Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu bảo vệ người trồng sâm Việt Nam do báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức sáng 8-9.
Theo ông Lê, từ năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành nắm bắt, giám sát các địa bàn trong nội địa về hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu, trong đó có cây sâm. Riêng 8 tháng đầu năm nay đã kiểm tra phát hiện hơn 4.400 vụ việc và xử lý 2.400 vụ.
"Chúng tôi không chỉ phát hiện nhiều cửa hàng bán sâm củ, mà còn phát hiện thêm nhiều sản phẩm bánh, kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm mạo danh nguồn gốc sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu" - ông Lê nói.
Theo ông Lê, để phân định, xử lý được việc mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu thì công tác giám định nguồn gốc sâm rất phức tạp. Bản chất cây sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gene giống cây sâm Việt Nam, chỉ khác quy trình trồng. Quy trình trồng sâm ở Trung Quốc rất ngắn, thường sử dụng chất kích thích, hóa chất nên chỉ 2-3 năm đã cho thu hoạch. Người tiêu dùng không biết, sử dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo đại tá Đỗ Đình Cường - trưởng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, Lai Châu có hơn 160km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, trong đó có hơn 30km đường biên giới là sông, suối.
Vì vậy, các đối tượng buôn lậu sâm thường lợi dụng điều này để kết nối với các chủ buôn Trung Quốc, thống nhất về mặt giá cả, vận chuyển, bỏ sâm Trung Quốc vào thùng xốp rồi thả trôi ở sông khu vực biên giới. Sau đó người mua sâm Lai Châu ở bên Việt Nam sẽ đón nhận, do đó gây nhiều khó khăn cho công tác bắt giữ và xử lý.
Việc buôn lậu sâm diễn ra từ năm 2021 đến nay, lực lượng biên phòng đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện bắt giữ và khởi tố 2 đối tượng, thu gần 173kg sâm. Ngoài ra, lực lượng biên phòng Lai Châu cũng bắt được nhiều lô hàng thả trôi sông vô chủ.
"Trong quá trình bắt, xử lý các đối tượng về hình sự có một khó khăn rất lớn chính là giám định hàm lượng nguồn gene sâm. Bản chất sâm Trung Quốc tương đồng với sâm Lai Châu nên khó định danh để xử lý hình sự" - đại tá Cường nói.
Ông Võ Trung Mạnh - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) - cho rằng để quản lý tốt sâm Ngọc Linh, bảo vệ được thương hiệu sâm Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan làm việc quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó, in ấn cách phân biệt các loại sâm để người dân nhận diện rõ hơn. Như mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh ở Hà Nội, đem lại hiệu quả rất tốt.
Ông Mạnh cũng đề nghị các bộ ngành vào cuộc quyết liệt đối với các cá nhân, tổ chức nhập lậu sâm Việt Nam. Nếu doanh nghiệp chế biến thì phải chứng minh được hóa đơn, từ đó có thể truy ra để đấu tranh, chống việc mua bán sâm giả trên thị trường.
"Việc xử lý doanh nghiệp, cá nhân trà trộn sâm ngoại lai vào Việt Nam không khó khi chúng ta kiểm soát, yêu cầu đầy đủ hóa đơn chứng từ của sản phẩm" - ông Mạnh chia sẻ.
Tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khẳng định trên địa bàn không có bất kỳ dự án đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh.