Theo TS Đỗ Văn Thông, đơn vị tư vấn đã tiến hành điều tra, kiểm kê hiện trạng rừng trong lòng hồ Ka Pét đúng quy định tại Thông tư 33 của Bộ NN-PTNT ngày 16.11.2018 và quyết định số 2043 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đề cương điều tra rừng.
Mục tiêu của việc điều tra là xác định hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp; hiện trạng trữ lượng rừng và thành phần thực vật rừng tại khu vực triển khai hồ Ka Pét.
Điều tra rừng bằng phương pháp nào?
TS Đỗ Văn Thông cho biết, theo Thông tư 33, nếu điều tra rừng tự nhiên dưới 2.000 ha thì chỉ rút mẫu từ 0,01 đến 0,1% tổng diện tích của cả khu vực. "Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng, quá trình làm chúng tôi đã rất cẩn trọng, rút diện tích rất lớn, tới 1,57% trên toàn diện tích để bố trí trên toàn lâm phần thiết lập, giúp cho việc điều tra vừa đúng quy định và đảm bảo tính chính xác nhất", TS Thông nói.
Trong chỉ tiêu điều tra rừng bao gồm xác định mật độ cây rừng, đường kính của cây rừng ở chiều cao 1,3 m. Sử dụng phương pháp thống kê để tính toán trữ lượng bình quân và tổng trữ lượng của lô rừng cũng như tình hình tái sinh của rừng. Đồng thời, sử dụng các tài liệu khoa học về thực vật được công bố trong Sách đỏ Việt Nam để xác định loài cây, trong đó xác định được các loài quý hiếm, loài ưu thế và phân biệt các nhóm gỗ.
Kết quả điều tra ban đầu diện tích toàn vùng rừng là 679,72 ha, trong đó đất có rừng là 619,58 ha (rừng tự nhiên 571,7 ha, rừng đặc dụng 136,88 ha, rừng phòng hộ 0,51 ha) và rừng sản xuất là 434,37 ha, còn lại là rừng không nằm trong 3 loại rừng.
Theo phân tích của TS Đỗ Văn Thông, trong số 612,48 ha là rừng giàu, gỗ tự nhiên núi đất (RGL) là 12,22 ha; rừng trung bình (RLB) là 120,25 ha; rừng nghèo (RLN) là 43,04 ha, còn lại là rừng hỗn giao.
Ngoài diện tích rừng trồng (7,10 ha) còn có đất chưa có rừng là 60,14 ha. Trong đó đất đã trồng nhưng chưa thành rừng là 8,65 ha. Diện tích có cây gỗ tái sinh là 2,07 ha. Còn lại là diện tích đất trống, cây bụi, cây nông nghiệp và diện tích khác.
Rừng ở vị trí lòng hồ có loài gỗ quý hiếm không?
Theo kết quả điều tra ban đầu, mật độ bình quân của các trạng thái rừng trên 500 cây/ha. Chỉ có 2 trạng thái rừng hỗn giao "gỗ, tre nứa" và "tre nứa, gỗ", mật độ dưới 400 cây/ha. Mật độ bình quân cao nhất ở trạng thái rừng trung bình (593 cây/ha) và thấp nhất là rừng hỗn giao tre nứa, gỗ (195 cây/ha).
Trữ lượng bình quân cao nhất ở trạng thái rừng giàu (310,5 m3/ha); tiếp đến là rừng hỗn giao gỗ và tre nứa (165,7 m3/ha); rừng trung bình (147,8 m3/ha); rừng gỗ nghèo (78,8 m3/ha). Riêng rừng hỗn giao tre nứa và gỗ chỉ có 26,3 m3/ha.
Kết quả tính toán từ 96 ô tiêu chuẩn điều tra điển hình có diện tích 1.000 m2/ô (kích thước 25 m x 40 m) với 4.262 cá thể cây gỗ được đo ghi nhận được có tổng 78 loài, thuộc 62 chi, 35 họ thực vật.
Ưu thế nhiều nhất vẫn là bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng, cà chắc, thành ngạnh...
Về thành phần loài gỗ quý hiếm, kết quả điều tra cho thấy từ 96 ô tiêu chuẩn bắt gặp được 2 loài quý có trong Sách đỏ Việt Nam là dáng hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) và sơn điều (Melanorrhoea usitata Wall). Trong đó loài cây dáng hương có 26 cá thể cũng là loài thuộc nhóm IIA (được quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).
Kết quả điều tra rừng ở vị trí lòng hồ thủy lợi Ka Pét đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 8.9
Một số loài cây như cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát, là loại gỗ tốt (nhóm I, II) nhưng không thuộc nhóm các loài cây gỗ quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam.
Ở rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình tập trung nhiều ở nhóm gỗ III và V. Ở rừng gỗ nghèo tập trung ở nhóm gỗ V, VI. Và ở rừng hỗn giao tre nứa, gỗ tập trung ở nhóm gỗ VIII, còn rừng hỗn giao gỗ, tre nứa tập trung ở nhóm gỗ III.
Tổng trữ lượng gỗ khu vực điều tra là 97.527,0 m3, trong đó: rừng tự nhiên 97.251,1 m3 và rừng trồng 275,9 m3. Rừng đặc dụng 22.717,8 m3; rừng phòng hộ 84,5 m3; rừng sản xuất 67.976,8 m3 và rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 6.747,9 m3 (xã Mỹ Thạnh là 97.263,4 m3 và xã Hàm Cần là 263,6 m3).