Yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn rút kinh nghiệm
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy vừa có thông báo kết luận sau cuộc họp về báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM cùng lãnh đạo UBND TP và các sở ngành, địa phương liên quan.
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị tư vấn tiếp tục điều tra, khảo sát thu thập đầy đủ thông tin liên quan, tiếp thu đầy đủ ý kiến nhằm hoàn thiện đồ án quy hoạch.
Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn cần rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết. Quá trình nghiên cứu phải bảo đảm tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia. Nội dung quy hoạch nhằm chi tiết hóa quy hoạch ngành quốc gia được duyệt (quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 - PV) để đưa vào quy hoạch địa phương...
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu đầu vào bảo đảm đầy đủ, chính xác làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch phù hợp. Xây dựng phương án tổ chức chạy tàu tối ưu cho các giai đoạn hình thành mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP.HCM.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại và có tính mở đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả các tuyến đường sắt trong khu đầu mối.... Kết quả nghiên cứu phải đề xuất được mạng lưới tổng thể về hướng tuyến, tuyến, toàn bộ các ga khu vực đầu mối, phương án tổ chức khai thác.
Không được xung đột với quy hoạch của cấp cao hơn hoặc của địa phương
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá đây là thời điểm quan trọng, thuận lợi để kết nối giữa quy hoạch ngành đường sắt với quy hoạch địa phương.
Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn lập quy hoạch làm việc cụ thể với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch các tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Qua đó thống nhất, khớp nối phương án quy hoạch đồng bộ với quy hoạch của địa phương.
Sau khi cập nhật hoàn thiện báo cáo đầu kỳ, Cục Đường sắt Việt Nam và tư vấn làm việc chi tiết với các sở ngành địa phương và đơn vị liên quan về phương án, bao gồm các nội dung còn ý kiến khác nhau chưa rõ định hướng cần xác định cụ thể.
Lãnh đạo bộ yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm khoa học, đầy đủ cơ sở pháp lý, không xung đột với quy hoạch cấp cao hơn, quy hoạch địa phương. Xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ; kịp thời báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền.
Tư vấn lập quy hoạch đường sắt đề xuất nhiều vấn đề mới
Những ngày qua, Tuổi Trẻ Online đã thông tin chi tiết về các đề xuất mới trong báo cáo đầu kỳ quy hoạch đường sắt đầu mối TP.HCM. Các vấn đề được bạn đọc, chuyên gia quan tâm như đề xuất mở rộng ga Sài Gòn làm ga đầu mối trung tâm hành khách, dời Nhà máy Xe lửa Dĩ An - một trong những nhà máy xe lửa cổ nhất Đông Dương - về tổ hợp ga An Bình (Bình Dương). Hay đề xuất làm đường sắt xuyên tâm đi trên cao đoạn từ ga Bình Triệu - ga Sài Gòn - ga Tân Kiên. Trong đó, đoạn ga Sài Gòn - Tân Kiên chưa có trong quy hoạch.
Ngoài ra, tại quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt năm 2021, ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) được xác định là ga cuối của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ga này cũng là ga cuối.
Còn tại báo cáo đầu kỳ quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, tư vấn đề xuất ga Thủ Thiêm sẽ không tổ chức đón trả khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như dự kiến, mà sẽ là ga đầu/cuối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị.
Nhà máy xe lửa Dĩ An, một trong những depot cổ nhất Đông Dương, được đề xuất di dời về vị trí mới ở ga An Bình vì không có đường kết nối.