Ngày 9.9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đang tập trung mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án "Buôn lậu", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" liên quan đến sai phạm xảy ra tại Chi cục Thú y vùng 6, Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu Điện (thuộc Chi cục Thú y vùng 6), Công ty TNHH xuất nhập khẩu dinh dưỡng Hoàng Sa (trụ sở tại Q.1, TP.HCM) mà Công an TP.HCM đã khởi tố ngày 31.8 trước đó.
Theo cơ quan công an, qua công tác quản lý địa bàn, Công an TP.HCM đã phát hiện nghi vấn một số doanh nghiệp có hành vi nhập khẩu trái phép hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia thuộc diện quy định không được nhập về Việt Nam nên đã tập trung xác minh, điều tra.
Ngày 25.8, Công an TP.HCM đã kiểm tra 2 lô hàng gồm 10 container bột hồng cầu heo có xuất xứ từ Pháp, là mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam với khối lượng 117.630 kg có trị giá hơn 3,2 tỉ đồng qua cảng container quốc tế SP-ITC do Công ty TNHH xuất nhập khẩu dinh dưỡng Hoàng Sa làm thủ tục thông quan.
Nhận hối lộ để cho ra kết quả kiểm dịch đủ điều kiện làm thủ tục thông quan
Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định, số hàng hóa thuộc 10 container nói trên là bột hồng cầu bò được sản xuất tại cơ sở sản xuất VAPRAN SAS của Pháp, được Công ty Hoàng Sa do Trần Nguyên Bình và Đỗ Thùy Nhung làm chủ ký hợp đồng mua bán với Công ty CERESOS PTE LTD nhập khẩu về.
Sau đó làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) của Pháp, rồi thông đồng với cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu điện và Chi cục Thú y vùng 6 để cho ra kết quả kiểm dịch đủ điều kiện để làm thủ tục thông quan.
Cơ quan công an điều tra cho biết ngoài Công ty Hoàng Sa, bị can Bình và Nhung còn thành lập 5 Công ty khác để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa này. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của những người liên quan trong vụ án sai phạm này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chi cục Thú y vùng 6 có nhiệm vụ kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất nhập khẩu; kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật xuất nhập khẩu. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện kiểm dịch gia cầm giống các cơ sở giống Trung ương và vốn nước ngoài, chẩn đoán các bệnh cho gia súc, gia cầm ở nhiều tỉnh thành phía nam.
Trước đó, Phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, ngày 31.8, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 12 bị can về các tội "Buôn lậu", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".
Cụ thể, 5 bị can thuộc Chi cục Thú y vùng 6 gồm Bạch Đức Lữu (Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6), Lý Hoài Vũ (Phó Chi cục trưởng), Trần Trung Nhân (Phó Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu Điện), Nguyễn Minh Thành (Phó trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cảng - Bưu Điện), Nguyễn Văn Trung (kiểm dịch viên) về tội "Nhận hối lộ".
Còn 7 bị can thuộc Công ty Hoàng Sa gồm: Trần Nguyên Bình, Đỗ Thùy Nhung khởi tố về tội đưa hối lộ và buôn lậu; Đặng Minh Đức, Nguyễn Thị Hiền, Trần Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Kiều Thi, Huỳnh Văn Thịnh bị khởi tố về tội buôn lậu.
TP.HCM đưa vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo
Sau khi Công an TP.HCM khởi tố vụ án sai phạm xảy ra tại Chi cục Thú y vùng 6, ngày 7.9, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì cuộc họp định kỳ của Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, và cho biết Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo đối với vụ án trên.
Bí thư TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo. Trọng tâm là phải kết thúc việc xác minh, điều tra, xử lý đúng yêu cầu tiến độ đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.