Với chủ đề "Thế giới là một gia đình", nước chủ nhà mong muốn hội nghị tập trung vào nội dung phát triển bền vững, cũng như các biện pháp nhằm lan tỏa tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Trong thời gian Ấn Độ giữ vị trí chủ tịch G20, khối này đã thảo luận nhiều về một loạt vấn đề, như việc các tổ chức đa phương tăng thêm khoản vay cho những nước đang phát triển, cải cách cơ cấu nợ quốc tế, quy định về tiền điện tử và tác động từ bất ổn địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng.
Giới chức Ấn Độ hôm 8-9 cho biết G20 đã gần hoàn tất tuyên bố chung của hội nghị, qua đó cho thấy các nhà thương thảo đã thu hẹp khoảng cách về những vấn đề còn bất đồng.
Theo Reuters, G20 hiện chiếm 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và khoảng 2/3 dân số thế giới. Các thành viên gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
An ninh được siết chặt tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 8-9 Ảnh: Reuters
G20 được thành lập vào năm 1999 theo sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Khi đó, đây là diễn đàn để các bộ trưởng kinh tế và quan chức bàn về biện pháp khôi phục ổn định kinh tế. Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên diễn ra vào năm 2008 để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.
Trong những năm gần đây, hội nghị G20 còn tập trung thảo luận về những vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, xóa nợ quốc tế…
Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng G20 cần thảo luận về những nỗi lo của nhóm Nam bán cầu (các nước đang phát triển), đồng thời cam kết không để cuộc khủng hoảng Ukraine phủ bóng lên chương trình nghị sự này.
Để chuẩn bị cho vấn đề ưu tiên nói trên, ông Modi vào đầu năm nay đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh "Tiếng nói của Nam bán cầu", cũng như đề cập những vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển như nhiên liệu thay thế, cơ sở hạ tầng công kỹ thuật số, an ninh lương thực…
Sự hiện diện của Liên minh châu Phi (AU) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này càng củng cố thêm lập trường của nước chủ nhà. Trang Bloomberg tiết lộ G20 đã nhất trí trao tư cách thành viên thường trực cho AU và quyết định này dự kiến được công bố tại hội nghị ở Ấn Độ.
Đây là một phần nỗ lực nhằm trao cho các nước châu Phi tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu và nợ.
Ông Tanvi Madan, chuyên gia của Viện Brookings (Mỹ), cho rằng Ấn Độ và những nước đang phát triển trong G20 muốn các nền kinh tế công nghiệp đóng góp tài chính để giải quyết những vấn đề như nợ, giá lương thực và năng lượng tăng.
Những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19 và các bất ổn địa chính trị toàn cầu. G20 vào năm 2020 đã nhất trí một khuôn khổ chung về tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo nhưng tiến triển vẫn còn chậm.
Xem thêm: nhc.420921580909032881-02g-ihgn-ioh-ahn-uhc-coun-auc-neit-uu-gnuhn/nv.fefac