Nhận định này được ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu khi báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, tại phiên họp Chính phủ, sáng 9/9.
GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn quý đầu năm 3,28 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, theo ông Dũng, giúp cải thiện tốc độ tăng GDP nửa đầu năm nay, đạt 3,72% và cả năm.
Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8, tăng gần 18% cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng, số lập mới tăng 2,3% cùng kỳ, với 103.700 doanh nghiệp. Khu vực dịch vụ tăng nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại diễn đàn kinh doanh tháng trước, các chuyên gia kinh tế, tài chính cũng nhận xét kinh tế có tín hiệu phục hồi nhờ tiêu dùng, đầu tư công nhưng khó về mức trước dịch.
Báo cáo gần đây của HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam đã có khởi đầu ổn định trong tháng 7, giao thương bên ngoài của Việt Nam đã ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục giảm nhưng chỉ ở mức thấp 3,5% so với cùng kỳ 2022. Vốn FDI mới đạt 3% GDP trong quý II, ngang bằng với năm ngoái.
Dù vậy, phát biểu khai mạc họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có khởi sắc nhưng còn khó khăn. Các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt như dệt may, da giày có đơn hàng nhiều hơn, song tăng trưởng công nghiệp vẫn khó khăn. Vốn tín dụng tăng thấp, mới đạt 5,16% đến cuối tháng 8 và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp chưa khả quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình, tăng trưởng kinh tế vẫn đối mặt thách thức lớn. Tình hình kinh tế, xã hội quý sau cải thiện hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước, nhưng khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói thêm, thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, công tác đăng kiểm vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ, kém hiệu quả trong giải quyết công việc, gây bức xúc xã hội.
Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%, và để đạt, ông Nguyễn Chí Dũng đề xuất thúc đẩy thị trường trong nước và tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, nhất là nông sản.
Ông lưu ý, các cấp, ngành và địa phương cần thu hút dự án FDI có quy mô lớn, bỏ những thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp và đẩy nhanh xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng để đẩy nhanh các dự án đầu tư.
"Cần điều hành quyết liệt, chặt chẽ các chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Anh Minh