Ngày 9-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vừa bắt khẩn cấp Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi, ngụ TP.HCM) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cơ quan điều tra, Tường được xác định là "ông chủ" thực sự của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc, trụ sở tại TP.HCM.
Thuê người điều hành đường dây lừa đảo
Dù là người điều hành mọi hoạt động của công ty, song để né tránh trách nhiệm và đối phó với cơ quan chức năng, Tường đã thuê Nguyễn Văn An (27 tuổi, quê Tây Ninh) làm tổng giám đốc công ty.
Đến nay, có khoảng 60 nạn nhân là khách hàng của Công ty Lộc Phúc đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này.
Tổng cộng, số tiền giao dịch mua đất ảo bị chiếm đoạt lên đến hơn 70 tỉ đồng.
Như tin đã đưa, ngày 31-8, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện Công ty Lộc Phúc tổ chức sự kiện mở "sàn giao dịch" tại một "dự án ma" thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom.
Ngay lập tức, Công an tỉnh Đồng Nai tung hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ập vào bắt quả tang, khống chế Nguyễn Văn An cùng 185 người liên quan. Trong đó, có 122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng (gọi là chân gỗ) và 43 người mua đất.
Cùng lúc này, một tổ công tác khác phối hợp Công an TP.HCM khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỉ đồng tiền mặt, 24,3 lượng vàng, 7 ô tô… để phục vụ điều tra.
Các nghi can khai nhận, từ tháng 6-2022, công ty bắt đầu tổ chức lừa đảo thông qua một số dự án ma trên địa bàn Đồng Nai.
Vẽ "dự án ma" lừa tiền khách hàng
Để đưa nạn nhân vào tròng, Công ty Lộc Phúc đã tuyển cả trăm sinh viên làm nhân viên cấp dưới. Sau đó hướng dẫn các sinh viên này lên mạng xã hội tìm nhà đẹp ở TP.HCM, lấy ảnh đăng website công ty và trang "chợ tốt" rao bán đất.
Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở TP.HCM đã liên hệ với công ty. Nhân viên cấp trên của các sinh viên sẽ liên lạc lại với khách hàng bằng sim rác do công ty phát (mỗi khách hàng chỉ dùng một sim rồi bỏ).
Khách hàng có nhu cầu mua nhà ở TP.HCM sẽ được "lùa" lên xe, kéo rào kín và chở thẳng đến các dự án ma ở Đồng Nai. Những dự án này được giới thiệu là những dự án trong mơ: gần đường cao tốc, các khu công nghiệp, sân bay Long Thành…
Sau đó, lãnh đạo, nhân viên, "chân gỗ" công ty dùng các chiêu trò, thủ đoạn thao túng tâm lý bắt ép khách hàng đặt cọc với giá mua cao hơn nhiều giá trị thực tế của lô đất.
Bằng thủ đoạn này, mỗi tháng công ty chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của khách hàng.
Khi bị khách hàng phát hiện, yêu cầu trả lại cọc đều bị nhân viên công ty từ chối, chặn liên lạc hoặc giao đất không đúng nơi khách dự định mua…
Dù không phải chủ sở hữu đất, không được phép phân lô bán nền nhưng Chính đã vẽ “dự án ma” bán cho 52 khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 20 tỉ đồng.