Ngày 9-9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí với tuyên bố chung được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi.
Trước tràng pháo tay vang dội của những người tham dự, ông Modi thông báo tuyên bố chung đã chính thức được thông qua, theo báo The Guardian.
Việc ra được tuyên bố chung là thắng lợi lớn dành cho Ấn Độ, nước giữ nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm nay. Trước đó, giới chuyên gia lo ngại năm nay có thể sẽ là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 không đạt được tuyên bố chung vì những bất đồng về xung đột Nga - Ukraine.
Ông Amitabh Kant, người đứng đầu đoàn đàm phán G20 của Ấn Độ, thông tin đã có "100% sự đồng thuận từ tất cả các nước" đối với tất cả 83 đoạn trong tuyên bố chung.
Theo Hãng tin Reuters, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 tránh đề cập trực tiếp hay lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Thay vào đó, tuyên bố chung nhấn mạnh: "Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia phải tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".
Các nhà lãnh đạo G20 cũng nói rằng "việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận".
Tuyên bố chung cho biết nhóm G20 cam kết tăng cường và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, chấp nhận đề xuất đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về tiền điện tử, kêu gọi tăng tốc nỗ lực hướng tới giảm điện than...
Theo ông Kant, để đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung, đã có "những cuộc đàm phán rất khó khăn diễn ra không ngừng nghỉ trong vài ngày và tôi thực sự cảm thấy rằng cuối cùng nó đã được giải quyết nhờ sự lãnh đạo của Thủ tướng (Modi)". Ông nói thêm Brazil và Nam Phi, những nước chủ tịch G20 tiếp theo, đã giúp đạt được thỏa thuận.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào năm ngoái, các nước thành viên đã nhất trí ra tuyên bố chung khá muộn trong ngày, một phần nhờ Bắc Kinh ủng hộ cách dùng từ ngữ trong tuyên bố chung. Tuyên bố chung lúc đó có đề cập tới chiến tranh ở Ukraine.
Trong hai ngày 9 và 10-9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio… đến Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt.
Từ pháo hạng nặng, thiết bị gây nhiễu cho tới camera tiên tiến và chó nghiệp vụ, thủ đô của Ấn Độ đã sẵn sàng cho một sự tiếp đón chu đáo và an toàn nhất có thể khi các nhà lãnh đạo thế giới tới đây dự Hội nghị G20.