Trong nửa đầu năm, Bitcoin là kênh đầu tư có hiệu suất cao nhất khi tăng hơn 80% lên trên vùng 30.000 USD một đồng. Tiền số này có khoảng hai tháng giao dịch quanh mốc trên, kéo Chỉ báo xu hướng Bitcoin của CoinDesk - chỉ số biểu thị xu hướng của đồng tiền này, được trỏ về xu hướng tăng giá (uptrend). Nhà đầu tư bắt đầu bàn về hồi kết của "mùa đông tiền số", thuật ngữ họ dùng để nói về giai đoạn thị trường đi xuống và ảm đạm.
Tuy nhiên từ giữa tháng 8 đến nay, Chỉ báo xu hướng Bitcoin của CoinDesk bắt đầu cài số lùi khi thị giá đồng này biến động lớn. Tiền số lớn nhất thế giới bị kéo về quanh mốc 26.000 USD trong nửa cuối tháng 8. Đến cuối tháng, Bitcoin có nhích lên vùng 28.000 USD nhưng nhanh chóng mất giá. Từ đầu tháng 9 tới nay, tiền số này chỉ giao dịch quanh 25.000-26.000 USD một đồng, có lúc xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Chỉ báo xu hướng Bitcoin của CoinDesk lùi về sát mức sàn, tức xu hướng giảm giá (downtrend). Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cũng cho thấy, các thước đo dùng để đo lường sự dao động giá của tiền số nói chung đều có xu hướng giảm.
Theo CoinDesk, thị trường tiền số nói chung chịu tác động xấu từ thông tin Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) quyết định trì hoãn quyết định về các đơn đăng ký mở quỹ ETF Bitcoin cho đến tháng 10. Các quỹ này gồm của hai gã khổng lồ quản lý tài sản BlackRock và Fidelity, cùng một số công ty khác.
Song song đó, Arab Saudi và Nga tuyên bố gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng dầu thêm ba tháng nữa, kéo dài đến tháng 12. Thông tin này đã khiến giá dầu thô WTI tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Theo Goldman Sachs, nếu hai nước này tiếp tục siết cung, giá dầu có thể lên 107 USD - tương đương thời kỳ đầu chiến sự Ukraine.
Giá dầu đi lên dẫn đến lạm phát cao hơn và kéo dài đà tăng lãi suất. Trong môi trường lãi suất cao, các tài sản có tính rủi ro lớn như Bitcoin và tiền số nói chung, trở nên kén người nắm giữ.
Forbes giải thích thêm đợt downtrend lần này là do đặc tính vốn có của Bitcoin và tiền số. Thị trường này thường xuyên biến động trước những khó khăn kinh tế vĩ mô không được dự đoán trước và những bất ổn suốt thời gian qua trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, thị giá tiền số còn chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác như hiệu ứng hậu căng thẳng Nga - Ukraine, nỗi lo lạm phát ở các nước phát triển, đà tăng lãi suất ở Mỹ, Anh và tàn dư của vụ sụp đổ sàn giao dịch tiền lớn nhất thế giới FTX.
"Các yếu tố trên khiến giá Bitcoin biến động xuyên suốt. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm rối loạn tâm trạng của các nhà đầu tư", Forbes nêu nhận định.
Tuy nhà đầu tư rôm rả bàn về hồi kết của "mùa đông tiền số", nội tại của thị trường này vẫn còn nhiều bất ổn. Theo Bloomberg, khối lượng giao dịch trên sàn Coinbase giảm mạnh trong năm nay. Không chỉ người dùng cá nhân, lượng giao dịch của các tổ chức cũng giảm 54% trong quý II so với cùng kỳ. Coinbase giải thích đây là xu hướng chung khi vốn hóa thị trường giảm, giá trung bình các token đều thấp.
Sau khi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý Mỹ, Binance cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thống kê từ công ty cung cấp dữ liệu Kaiko cho thấy tại Mỹ, thị phần Binance đã giảm từ 27% vào tháng 4 xuống còn hơn 1% cuối tháng 6. Ở châu Âu, sàn này cũng liên tục gặp sóng gió khi bị Pháp điều tra, Bỉ và Hà Lan cấm hoạt động, Đức chưa cấp giấy phép.
Khác với giai đoạn trước, tâm lý các nhà đầu tư hiện khá nhạy cảm với các thông tin. Điều này thể hiện rõ trong phiên giao dịch 19/8 gần đây. Sau thông tin lãi suất trái phiếu Mỹ tăng và lo ngại về kinh tế Trung Quốc, Bitcoin giảm hơn 8% trong vài giờ và lan rộng ra tất cả loại tiền số khác. Nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn, dẫn đến việc thanh lý hơn 1 tỷ USD, một trong những đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay.
Tiểu Gu (theo CoinDesk, Forbes, Bloomberg)