Sáng nay lúc xuống bậc thang chung cư, con ngạc nhiên hỏi: Sao mẹ không bước thẳng xuống cho nhanh mà vòng qua bậc tam cấp cho mất thời gian, ba đang đợi? Chà, lẽ ra con gái ta phải tự trả lời câu hỏi ấy mới đúng nhỉ. Nhưng hình như ta lại đang phán xét và kỳ vọng mất rồi.
Ta trần tình: "Đầu gối của mẹ không thể bước thẳng xuống bậc cao như vậy, mẹ chọn lối bước ba bậc cho yên tâm, đỡ bớt gánh nặng cho đầu gối". Con không nói gì.
1. Từ lúc nào không biết ta thương cho tuổi trung niên, cái tuổi gánh cả hai đầu: con đang lớn, mẹ cha đang "bé" lại. Đầu nào cũng cần sự hiện diện sẻ chia, chăm lo cách này cách khác.
Tuổi trung niên như người đứng giữa dòng xoáy. Ai không may từng một lần vướng vào dòng xoáy mới hiểu được tình cảnh đó. Ta không còn bơi nổi nữa. Chỉ còn đủ sức đứng nước chờ bình tâm để bơi ngang mặt biển, chờ dòng xoáy qua đi.
Ta không còn hăm hở nữa. Nói cho đúng, ta thậm chí còn hoảng sợ khi nhìn về tương lai. Không già hẳn để có thể buông xuống một số điều. Phải được vậy thì nhẹ nhõm quá!
Đôi khi ta thấy mình muốn bỏ trốn. Và rồi không biết trốn đâu cho thoát khỏi mình!
2. Chuyện của chuyến về thăm quê vừa rồi vẫn còn ám ảnh tâm trí! Ta thương cha mẹ già 70 tuổi vẫn lê lết (đúng nghĩa của từ này) để chăm ông nằm một chỗ.
Nhà có một ông nội trong nhà giúp ta nhạy mùi hẳn. Nhiều khi chỉ cần đi ngang qua hàng xóm, không cần vào trong, ta cũng biết nhà có người già. Cái mùi già, không hẳn là mùi nước tiểu són đâu đó không kịp lau giặt, nó là mùi của rất nhiều thứ: năm tháng, cũ kỹ, tủi phận, dồn nén, mặc cảm, sợ hãi... pha trộn lâu ngày, nó làm ta... bất nhẫn.
Đêm ấy đâu chừng 3-4h sáng, ta thức dậy vì nghe nhà bốc mùi. Không cần tìm kiếm, ta thấy ngay những mẩu bỉm vương vãi khắp nhà.
Ta hiểu rằng ông cụ 100 tuổi giờ như đứa bé, khó chịu thì bứt ra vất tứ tung thôi. Ta biết nên chỉ lẳng lặng dọn dẹp lau rửa thay quần áo cho ông. Vẫn nghe mùi, lấy giấy ướt lau từng ngón tay cho ông. Kiểm tra tới lui vẫn thấy còn mùi. Lúc lau rửa hai bàn tay, ta thoáng thấy lưỡi ông hơi vàng.
Trong tranh tối tranh sáng, ta nhớ lại xem đêm qua ông ăn gì mà như vậy. Mà thiệt tình ta không thể nghĩ ra, đến khi nhìn cái miệng cũng dính vàng, lấy khăn mềm chùi thử thì... trời ơi.
Các bác sĩ lão khoa gọi những điều này một cách bóng bẩy là sa sút trí tuệ. Ta biết chứ, ta nghe nhiều người già không còn phân biệt gì nữa; thậm chí ăn cả chất thải của mình. Nhưng đó là ai đó, ta nghe, cám cảnh rồi quên.
Khi ai đó là người thân của ta và tận mắt chứng kiến, cái cảm giác nó sững sờ kinh khủng. Ta lấy từng miếng khăn ướt moi từ miệng ông ra hết miếng này đến miếng khác, cho đến khi miếng giấy không còn dính một chút vàng nào.
Ta đưa ly nước cho ông, súc miệng rồi phun ra làm mẫu. Ông không còn biết nhổ nữa. Ông chỉ súc súc rồi nuốt. Ta thõng tay bất lực, nước mắt trào ra.
3. Ta không biết vì sao mình khóc. Vì kiếp người thống khổ, hay vì ta biết mình vừa mất một người ông! Hành động tự ăn chất thải của mình chẳng phải là dấu hiệu cho thấy một người đã mất hoàn toàn ý thức. Như một lời phủ quyết quyền làm người. Ta cố nhìn sâu vào mắt ông để tìm kiếm một cái gì đó, nhưng chỉ thấy một cái nhìn mờ đục.
Ta đột nhiên nhớ tới lời của chú heo trong truyện Chú heo giáng sinh của nhà văn J.K.Rowling, khi an ủi người bạn thân thiết của mình: "Có mất mới có còn". Câu nói làm ta nhớ mãi.
Và rồi ta tình cờ đọc câu chuyện cảm động về nhà văn Kafka và một cô bé nhỏ (hay một câu chuyện được cho là từ nhà văn). Kafka đã viết cho cô bé: "Mọi điều cháu yêu quý có lẽ rồi sẽ mất đi, nhưng tình yêu sẽ trở lại dưới hình hài khác".
Có lẽ Kafka đã thay lời muốn nói cho rất nhiều người không thể nói! Rồi tình yêu sẽ trở lại dưới một hình hài khác. Ông ta có lẽ đã không còn như người ông mà ta từng biết. Nhưng ngay cả khi không còn ý thức, ông vẫn đang dạy ta những bài học lớn bằng chính cái thân còn da bọc xương của mình, bằng chính sự mất bản thân mình.
Đó có phải là hình hài khác của tình yêu, hay là một tình yêu không cần cả hình hài.
Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ rằng được già đi bên cạnh người thương là một phước lành. Vậy nên chuẩn bị tâm thế ra sao khi bước vào cuộc sống chung, từ thuở tóc xanh cho đến lúc bạc đầu?