Từ mùa xuân năm sau, Venice sẽ thử nghiệm hệ thống bán vé nhằm cố gắng giảm số lượng khách du lịch đến thành phố Ý. Vì vậy, du khách trong ngày sẽ phải trả 5 Euro (129 nghìn VND) để vào trung tâm lịch sử của thành phố Ý. Giám đốc điều hành hội đồng thành phố đã ủng hộ dự án này vào thứ Ba (5/9), chỉ vài tuần sau khi UNESCO đề nghị thêm Venice vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm, một phần do tác động của du lịch đại chúng. “Điều tiết luồng khách du lịch trong những khoảng thời gian nhất định là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là thành phố sẽ đóng cửa. Venice sẽ luôn chào đón tất cả mọi người”, ông Luigi Brugnaro, thị trưởng Venice, cho biết.
Theo chính quyền địa phương, người dân, người đi làm, sinh viên và trẻ em dưới 14 tuổi cũng như khách du lịch ở lại thành phố qua đêm sẽ được miễn trừ. “Mục tiêu là không khuyến khích du lịch trong ngày vào một số khoảng thời gian nhất định, phù hợp với sự mong manh và độc đáo của thành phố”, họ nói.
Chương trình, đã được tranh luận từ lâu, vẫn cần phải được hội đồng thành phố thông qua, dự định vào cuộc họp ngày 12/9. Và nhiều chi tiết vẫn chưa rõ ràng, bao gồm cả số lượng vé sẽ bán. Tuy nhiên, hội đồng hôm thứ Ba đã đồng ý thử nghiệm chương trình trong 30 ngày, có thể trải dài trong các ngày lễ và cuối tuần mùa xuân và mùa hè năm 2024.
Ông Simone Venturini, thành viên hội đồng du lịch của thành phố cho biết, hệ thống mới sẽ đưa Venice trở thành “tiên phong trên cấp độ toàn cầu”. Ông nói rằng, họ không muốn kiếm tiền – với mức phí 5 Euro dự định chỉ đủ để trang trải chi phí – mà để tìm ra “sự cân bằng mới giữa quyền của những người sống, học tập hoặc làm việc ở Venice và những người đến thăm thành phố”.
Các nhà chức trách ở Venice trong nhiều năm đã tìm cách giảm bớt áp lực trước lượng lớn khách du lịch đổ xô đến tham quan. Kế hoạch bán vé đã nhiều lần bị hoãn lại vì những lo ngại rằng nó sẽ làm giảm nghiêm trọng doanh thu du lịch và ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại. Hai năm trước, thành phố đã áp đặt lệnh cấm các tàu du lịch lớn, chở hàng nghìn du khách mỗi ngày, buộc chúng phải cập bến ở một cảng công nghiệp. Lệnh cấm cũng nhằm giảm thiệt hại do sóng lớn gây ra bởi những con tàu lớn, vốn đang làm xói mòn nền móng của Venice và gây tổn hại cho hệ sinh thái mong manh của đầm phá. Nhưng theo dữ liệu chính thức, khách du lịch vẫn đến, với khoảng 3,2 triệu người lưu trú qua đêm tại trung tâm lịch sử Venice vào năm ngoái.
Cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đã đưa Venice vào danh sách di sản vào năm 1987 như một “kiệt tác kiến trúc phi thường”, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về sự cần thiết phải “quản lý du lịch bền vững hơn”. Vào ngày 31/7, họ cảnh báo thành phố có nguy cơ hứng chịu thiệt hại “không thể khắc phục” do các vấn đề từ khủng hoảng khí hậu đến du lịch đại chúng.
Vào cuối tháng này, ủy ban di sản thế giới của UNESCO sẽ thảo luận về khuyến nghị thêm thành phố này vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm tại cuộc họp của ở Riyadh, Ả Rập.
Xem thêm: nhc.495352301019032881-ohp-hnaht-oav-ev-uht/nv.fefac