Hằng năm vào cuối tuần đầu của tháng 8, hàng ngàn anh chị em sinh đôi, sinh ba, sinh tư từ khắp nơi trên thế giới lại tề tựu về thị trấn Twinsburg (bang Ohio, Mỹ) để tham dự lễ hội Ngày Sinh đôi. Đây là lễ hội tập họp các cặp song sinh hằng năm lớn nhất thế giới.
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 4 đến 6-8-2023 với hơn 2.000 cặp song sinh tham dự.
Phát tín hiệu cấp cứu cần chào đời sớm
Từ lúc còn trong bụng mẹ, các cặp song sinh đã liên kết với nhau bằng mối quan hệ bền chặt đặc biệt. Chính vì vậy mới có chuyện khó tin về một bào thai đã phát tín hiệu cấp cứu để bà mẹ sinh sớm nhằm cứu lấy người chị song sinh.
Đầu năm 2019, đôi vợ chồng trẻ Leah McBride (28 tuổi) và anh thợ máy cần cẩu Austin (27 tuổi), ngụ tại Lake Jackson (bang Texas, Mỹ), vui mừng hay tin có song thai con gái. Thế nhưng đến tuần thứ 21, họ bàng hoàng khi các bác sĩ thông báo cặp song sinh mắc hội chứng truyền máu song thai (TTTS).
Hội chứng TTTS rất nguy hiểm đối với thai nhi lẫn sản phụ, vì máu được truyền đến hai bào thai không đồng đều. Bào thai nhận quá nhiều máu sẽ sản sinh nhiều nước tiểu. Do bơi trong túi chất lỏng, các cơ quan bị căng thẳng khiến tim làm việc quá sức và cuối cùng suy kiệt.
Với bào thai nhận quá ít máu, thận sẽ ngừng hoạt động và không thể tạo ra nước tiểu. Do không có nước ối bao quanh, bào thai dần dần teo tóp lại trong túi ối.
Theo tạp chí Parents (Pháp), đây là hội chứng hiếm gặp xảy ra cho khoảng 1/10.000 bà mẹ mang song thai cùng trứng có chung bánh nhau nhưng khác túi ối (hai bào thai nằm trong hai túi ối riêng nhưng sử dụng chung một nhau thai). Các bác sĩ không biết vì sao hội chứng TTTS phát sinh và nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong lên đến hơn 90%.
Khi nhận thấy kích thước hai thai nhi của chị Leah chênh nhau đến 48%, các bác sĩ đã khuyên nên chấm dứt sự sống của bé Poppy để chị gái Winnie có cơ hội sống cao hơn. Họ lo ngại bé Poppy sẽ lên cơn đau tim đột ngột và bé Winnie có nguy cơ đột quỵ theo.
Đây là quyết định khó khăn vì chị Leah không muốn bỏ đứa này và chọn đứa kia. Theo hướng dẫn của các bác sĩ, chị đã đến Bệnh viện Memorial Hermann ở Houston. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa đã phẫu thuật xử lý tình trạng mất cân bằng trong đường truyền máu giữa hai bào thai. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
Đến tuần thứ 27, bà mẹ bị vỡ nước ối. Các bác sĩ cho rằng còn quá sớm để sinh con an toàn nên cố trì hoãn sinh bằng cách sử dụng steroid. Đến tuần thứ 31, đột nhiên nhịp tim của bé Poppy giảm dần, các bác sĩ buộc phải cho chị Leah hạ sinh.
Hai bé gái chào đời vào ngày 24-5-2019. Bé Poppy cân nặng chỉ 765,4 gam nhưng hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi người chị Winnie nặng hơn (1.587,5 gam) thì phổi hoạt động yếu phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Bé Winnie phải trải qua ca phẫu thuật não lúc 14 ngày tuổi để loại bỏ chất lỏng tích tụ trong não và đã hồi phục tốt sau đó.
Theo trang web GoodNewsNetwork của Mỹ (trang web chuyên phổ biến những câu chuyện tích cực), bà mẹ Leah tiết lộ: "Các bác sĩ đã nói với chúng tôi đứa nhỏ (Poppy) đã cứu mạng chị gái nó (Winnie)".
Các bác sĩ tin rằng bé Poppy đã phát tín hiệu cấp cứu để cứu sống người chị song sinh, vì biết rằng chị sẽ không thể sống sót nếu không ra khỏi bụng mẹ sớm.
Bào thai tạo nút chặn ngăn sẩy thai
Một trường hợp tương tự về hai chị em song sinh cứu nhau trong bụng mẹ đã từng xảy ra ở Anh. Chị Andrea Goodrich (39 tuổi, ở thành phố Camberley, hạt Surrey, Anh) cùng chồng là Paul (46 tuổi) - giám đốc công ty - đã có với nhau bé trai Luca 4 tuổi và bé gái India 2 tuổi. Song họ vẫn rất vui mừng khi biết chị Andrea mang thai đôi.
Đến tuần thứ 20, họ nhận được thông tin đau lòng rằng chắc chắn sẽ phải mất cả hai con. Trong lần kiểm tra định kỳ, các bác sĩ nhận thấy có một quầng sáng kỳ lạ xung quanh trái tim của bé em Kiki.
Chị Andrea được chuyển đến bệnh viện ở London để xét nghiệm thêm. Trong vòng hai ngày, chị bắt đầu chảy máu. Các bác sĩ cho biết nhau thai đã bị tróc. Kết quả xét nghiệm cho thấy túi ối có một vết rách, như vậy chắc chắn nước ối đã bị rò rỉ ra ngoài.
Các bác sĩ giải thích đối với thai đôi chỉ mới 20 tuần, bào thai không có bất kỳ cơ hội sống sót nào nếu sinh ra. Những gì họ có thể làm là đưa chị Andrea nhập viện và chờ đợi điều mà họ tin chắc sẽ xảy ra là sản phụ sẩy thai. Chị Andrea kể lại trên báo Daily Mail: "Anh Paul và tôi đã chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất có thể xảy ra".
Thế nhưng thật kỳ diệu, các bác sĩ ngạc nhiên nhận thấy bé chị Nico - thai nhi khỏe mạnh với nhau thai còn nguyên vẹn - đang tụt dần xuống vị trí thấp trong bụng mẹ bên dưới bé Kiki.
Đến tuần thứ 24, bé Nico vẫn tiếp tục nằm ở vị trí đó nên vô tình tạo thành tấm đệm và nút chặn ngăn ngừa tình trạng sẩy thai xảy ra. Chị Andrea bộc bạch: "Chúng tôi biết ngày nào các con còn trong bụng mẹ tức là cơ hội sống sót của các con đã tăng lên đáng kể".
Đến tuần thứ 30, chị chuyển dạ và phải mổ lấy thai khẩn cấp. Giữa tháng 8-2011, hai bé gái chào đời khỏe mạnh. Bé Nico chào đời đầu tiên nặng 1.530,8 gam. Năm phút sau đến lượt bé Kiki ra đời nặng 1.389,1 gam. Cả hai bé được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Nico ở lại sáu tuần còn Kiki ở đến ba tháng. Kết quả kiểm tra cho thấy tim của bé Kiki hoạt động hoàn toàn bình thường.
Bà mẹ Andrea sung sướng chia sẻ: "Chúng tôi tin chắc bé Nico đã giữ vai trò là thiên thần hộ mệnh của bé em Kiki. Tôi cảm thấy mình là bà mẹ may mắn nhất thế giới. Dường như bé Nico cảm thấy có điều gì đó không ổn. Những gì bé làm đã cứu mạng đứa em".
Chị Andrea đã kể lại câu chuyện hai con mình để nâng cao nhận thức cho Tổ chức từ thiện trẻ em Sparks. Câu chuyện này đã được đăng trên trang bìa tạp chí Woman's Own, một trong những tạp chí phụ nữ nổi tiếng ở Anh.
Đôi vợ chồng Scott và Jennifer Moore, ở Saginaw (bang Michigan, Mỹ), đã có cậu con trai Alexander. Tháng 5-2015, chị Jennifer biết mình có thai đôi nhưng cặp song sinh Zonabelle và Patricia lại mắc hội chứng truyền máu song thai (TTTS). Hai bào thai mắc bệnh ở giai đoạn nặng nhất (giai đoạn 4) nên kết quả phẫu thuật có thể cứu sống hoặc mất cả hai.
Bác sĩ y khoa Deborah Berman, phụ trách nhóm chuyên gia y học thai nhi thuộc Đại học Michigan, đã dùng liệu pháp laser tách hơn 30 mạch máu và loại bỏ nước ối dư thừa đang nhấn chìm bé Zonabelle.
Ca phẫu thuật thành công. Hai bào thai sống sót. Hai trẻ sinh non ở tuần thứ 26 với cân nặng 1.134 gam.
Theo trang web Michigan Medicine (Đại học Michigan), khoảng 30% số ca mắc hội chứng TTTS được điều trị can thiệp bằng laser. Trong 70% số ca sống sót còn lại, các thai nhi thường chào đời gần ngày dự sinh.
***************
Trên thế giới chỉ có khoảng 300 hôn nhân giữa cặp sinh đôi nam với cặp sinh đôi nữ. Điều oái oăm là con cái của hai cặp sinh đôi này là anh em họ ngoài đời nhưng về mặt di truyền lại là anh em ruột.
>> Kỳ tới: Nhân duyên kỳ lạ giữa các cặp sinh đôi
Chị em song sinh họ Trương từng giúp tuyển bóng rổ nữ Việt Nam giành HCB SEA Games 31 đã được vinh danh sinh viên ưu tú của Đại học Gonzaga (Mỹ).