Tại buổi đối thoại, nhiều người dân trực tiếp nêu ý kiến về lý do họ không cho con đi học ở Trường tiểu học Hòa Bắc mới xây tại thôn Phò Nam.
Dân vận chưa tốt
Ông Hồ Tân Học, trưởng thôn Nam Yên, thống kê các ý kiến của phụ huynh và người dân trong thôn gồm điểm trường Nam Yên có lịch sử lâu đời, số lượng học sinh đông nhất toàn xã, nên người dân muốn giữ lại điểm trường để thuận lợi cho con em đi học.
Bên cạnh đó đa số phụ huynh đi làm công nhân, đi sớm về muộn. Ông bà lớn tuổi không thể đưa đón cháu đi học xa (cách trường cũ 2km).
"Đa số phụ huynh lo ngại việc đi lại của các em gặp nguy hiểm khi mùa mưa bão. Bên cạnh đó, việc dồn ghép các điểm trưởng gây ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh, buôn bán xung quanh điểm trường" - ông Học nói.
Ông Đinh Xuân Vũ, phụ huynh có con học tại điểm trường thôn Nam Yên, ý kiến: "Chúng tôi bị bất ngờ và sốc khi đến tháng 8-2023, gần đến ngày khai giảng mới biết thông tin dồn ghép điểm trường".
Một số người dân và phụ huynh cho rằng nếu chính quyền xã làm tốt công tác dân vận ngay từ đầu thì mọi chuyện đã không đi quá xa. Trong khi dầu sôi lửa bỏng, chính quyền xã còn cho xe múc đến điểm trường, khiến người dân tập trung đông hơn để phản đối. Sự việc sau này được giải thích là để sửa chữa bờ tường bị đổ do trận lụt năm ngoái.
Về những phản ánh của phụ huynh và người dân, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã xin lỗi bà con vì để xảy ra tình trạng bất nhất trong quá trình dân vận và xử lý sự việc.
Tại buổi đối thoại, ông Tô Văn Hùng, bí thư Huyện ủy Hòa Vang, khẳng định lại việc sáp nhập các điểm trường thôn về trường chính là chủ trương đúng đắn.
Ông Hùng cho biết huyện sẽ quy hoạch một cây cầu khác phục vụ giao thông kết nối đi lại. Nhưng hiện tại, cây cầu Phò Nam vẫn đảm bảo phục vụ giao thông với tải trọng 8 tấn. Mùa mưa hay lụt bão, nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ học.
Đối với những hộ ảnh hưởng kinh tế khi dồn ghép điểm trường, sẽ có những hỗ trợ sinh kế cho bà con nếu điều kiện khó khăn. Với những gia đình không có người đưa đón con em, các tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ… mỗi ngày sẽ cử người đưa đón các em đi học. Và những ngày mưa gió, xã sẽ có xe đưa đón con em. Các trường hợp muốn đăng ký nội trú, sẽ bố trí để con em học nội trú.
"Các phụ huynh làm công nhân đi sớm về muộn, nhà trường sẽ bố trí người trông giữ đến khi có phụ huynh đến đón. Với những học sinh lớp 5 gia cảnh khó khăn, tôi sẽ vận động hỗ trợ xe đạp điện cho các em đi học. Đây là cam kết của tôi, của chính quyền huyện Hòa Vang với bà con" - ông Hùng khẳng định.
Người đứng đầu huyện Hòa Vang cũng cam kết sẽ tổ chức đoàn đánh giá, thẩm định lại điểm trường Nam Yên.
Nếu chất lượng vẫn còn tốt, đủ để tổ chức một chương trình giáo dục bậc tiểu học ở đây, huyện sẵn sàng duy trì điểm trường này. Nếu chất lượng xây dựng còn đảm bảo, sẽ sử dụng điểm trường để mở rộng trường mầm non tại thôn.
Hai phương án cho 54 học sinh Nam Yên
Hiện còn 54 học sinh chưa được phụ huynh chuyển đến học trường mới. Ông Hùng đề xuất có 2 phương án giải quyết.
Nếu đoàn công tác thẩm định không duy trì được điểm trường này, sẽ tiếp tục vận động bà con đưa các em qua học trường mới với những phương án khắc phục khó khăn đưa ra ở trên.
Phương án 2, trước mắt cho các em lớp 1-2-3 tiếp tục học lại điểm trường Nam Yên thêm 1 học kỳ, trong đó có 33 em, sẽ tổ chức thành 2 lớp ghép.
Ông Hùng chỉ đạo Phòng Giáo dục huyện bố trí triển khai. Sau buổi đối thoại, xã sẽ lấy ý kiến phụ huynh của 54 em học sinh trên để đưa ra phương án cuối cùng.
Trà Thị Thu, cô giáo ở điểm trường Tắk Pổ từng "gây bão" mạng xã hội năm 2019, tiếp tục gieo chữ cho trẻ tại một điểm trường mới không điện, sóng chập chờn.