Giá LNG ở châu Âu tăng
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt hôm 8/9 sau khi công nhân tại các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Úc bắt đầu đình công, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
TTF - giá tiêu chuẩn của LNG tại châu Âu, đã tăng 13% lên 34,50 euro mỗi megawatt giờ, theo dữ liệu của tập đoàn giao dịch chứng khoán London LSEG. Hoạt động của các cơ sở Gorgon và Wheatstone, chiếm khoảng 7% nguồn cung LNG toàn cầu và được vận hành bởi gã khổng lồ dầu khí Chevron của Mỹ.
Các công đoàn cho biết, thành viên của họ trước hết sẽ hạn chế tham gia vào hoạt động công nghiệp, ngừng làm việc trong tối đa 11 giờ. Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 14/9, họ dự định sẽ ngừng hoàn toàn hoạt động trong 2 tuần.
Các cuộc đình công ban đầu được ấn định diễn ra vào hôm 7/9 nhưng sau đó đã bị lùi lại 1 ngày. Offshore Alliance, một nhóm đại diện cho hai liên đoàn lao động, cho biết hôm 7/9 rằng các cuộc đàm phán kéo dài cả tuần nhưng không đạt được thỏa thuận nào.
Những cuộc đàm phán không có kết quả
Trong một tuyên bố, liên minh cho biết các thành viên công đoàn đang "mong muốn được trả lương phù hợp với các tiêu chuẩn của ngành".
Sự leo thang ở Chevron trái ngược với tình hình tại Woodside Energy, công ty này đã đạt được một số thỏa thuận với liên đoàn lao động vào cuối tháng 8. Điều này đã ngăn chặn các cuộc đình công ở các cơ sở North West Shelf, nơi chiếm khoảng 4% nguồn cung LNG toàn cầu.
Chevron xác nhận trong một tuyên bố, các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không có thỏa thuận. Người phát ngôn của Chevron cho biết: “Chúng tôi đã thương lượng một cách thiện chí tuy nhiên các công đoàn tiếp tục tìm kiếm những điều khoản cao hơn nữa."
Brad Gandy, người phát ngôn của Offshore Alliance, nói rằng, liên minh đã đồng ý "thiện chí" với các cuộc đàm phán qua trung gian, "nhưng sau 5 ngày vẫn chưa có kết quả."
Chevron cho hay họ sẽ tiếp tục thực hiện các bước để duy trì hoạt động nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào xảy ra nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Các công đoàn đã cảnh báo rằng nhà máy LNG sẽ phải đóng cửa "nếu không có nhân viên đủ năng lực để đảm nhận việc bàn giao trong thời gian ngừng hoạt động".
Hiện chưa rõ sự gián đoạn có thể diễn ra như thế nào. Trung Quốc và Nhật Bản là hai khách hàng mua LNG lớn nhất của Australia, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Nhà phân tích năng lượng Saul Kavonic cho biết: "Việc các cơ sở hoàn toàn đóng cửa sẽ không thể diễn ra lâu bởi nó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Tây Úc và chính phủ sẽ phải can thiệp để ngăn chặn bất kỳ cuộc đình công nào."
Hôm 9.9, một liên minh công đoàn lao động cho biết, tập đoàn Chevron bắt đầu rút công nhân nhà thầu khỏi cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng Gorgon ngay sau khi nhân viên đình công tại 2 dự án lớn của Úc.
"Sáng nay, Chevron đã thuê một chuyến bay đặc biệt tới Đảo Barrow để rút 50 nhân viên ra khỏi dự án Gorgon," Offshore Alliance cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook.
Theo trang web của Ủy ban Công bằng Lao động - cơ quan làm trung gian cho 5 ngày đàm phán giữa 2 bên, chưa có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch giữa các công đoàn lao động và tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ.
Nguy cơ ảnh hưởng tới châu Âu
LNG từ Úc hiếm khi được đưa thẳng tới bờ biển châu Âu. Tuy nhiên, khả năng nguồn cung toàn cầu có thể bị gián đoạn khiến cho các nhà giao dịch châu Âu lo lắng trong tháng qua.
Úc là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và khách hàng chính của nước này là ở châu Á.
Nếu người mua khí đốt đường biển của Úc ở châu Á cần tìm kiếm các giải pháp thay thế thì điều này sẽ đẩy họ vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với châu Âu - vốn đã phụ thuộc vào LNG sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt quan đường ống tới khu vực sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh đó đang diễn ra khi kho khí đốt tự nhiên của EU đã đầy hơn 90% và nhu cầu của châu Á không tăng.
Tom Marzec-Manser tại công ty tư vấn năng lượng ICIS cho biết hiện trên thị trường mới chỉ thiếu hụt 1 hoặc 2 lô hàng LNG.
Ông cũng cho hay, một cuộc đình công kéo dài khoảng 2 tuần sẽ khiến thị trường thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn LNG. "Ngay cả khi châu Âu đang bước vào mùa đông với lượng năng lượng dự trữ rất cao thì việc nguồn cung bị giảm vẫn có thể sẽ dẫn tới các hành động thắt chặt lượng khí đốt tiêu thụ."