Sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đã tạo nền tảng để các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào mối quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước.
Công ty Star Telecom (Unitel) được xem là hình mẫu hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào. Thành lập từ năm 2008 theo hình thức liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội và Công ty viễn thông Lào Asia, đến nay, doanh nghiệp này đã trở thành công ty viễn thông hàng đầu của Lào, chiếm 58% thị phần di động với hơn 3,5 triệu thuê bao, mạng lưới 3G; 4G; 4,5G phủ sóng toàn quốc, tạo việc làm ổn định cho hơn 27.000 lao động địa phương.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, 8 tháng đã qua của năm 2023, doanh thu dịch vụ của doanh nghiệp cũng đã đạt hơn 188 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
"Khi chúng tôi triển khai các dịch vụ đến người dân thì được người dân luôn luôn tiếp nhận và rất là hồ hởi ủng hộ. Thứ hai là bộ, ban, ngành Lào luôn luôn giúp đỡ tạo điều kiện cho chúng tôi một cách thuận lợi nhất. Chúng tôi kinh doanh ở rất nhiều quốc gia, nhưng trong đó chúng tôi thấy kinh doanh ở Lào là một sự thuận tiện rất lớn. Đó chính là nhờ mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam", ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Star Telecom (Unitel), cho biết.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Lào.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD.
Các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành của Lào thuộc nhiều lĩnh vực như: tài chính ngân hành, viễn thông, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, thủy điện...
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Lào; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
"Theo tôi, các doanh nghiệp, các bộ ngành của Việt Nam đã, đang và tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là giúp mình". Đó là lý do mà các doanh nghiệp Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết định sang đầu tư để giúp Lào, không chỉ ở các khu vực đồng bằng đô thị, mà cả các khu vực vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn của Lào, không chỉ vì mục đích lợi nhuận đơn thuần, mà còn vì quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước", ông Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, nhận định.
Không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào cũng đã tham gia tài trợ cho cộng đồng. Tổng giá trị lũy kế đến nay đạt hơn 100 triệu USD, để xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa của Lào.
VTV.vn - ASEAN là khu vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Đây là khẳng định của Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Chủ tịch ASEAN năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.61075523101903202-man-teiv-ut-tahn-nol-ut-uad-nahn-oal/et-hnik/nv.vtv