EU áp giá carbon- Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền - VTV.VN
Sắt thép, nhôm, xi măng sẽ trở nên đắt đỏ hơn
Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền - đây là thông điệp của các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu đưa ra để lý giải về các quy định mới, theo đó, EU sẽ áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này, mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó.
Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Riêng 6 nhóm hàng này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Như vậy là bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của EU. Quy định mới này sẽ bắt đầu được thực hiện thí điểm từ ngày 1/10 tới.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (tên gọi tắt tiếng Anh là CBAM) sẽ áp giá carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12 năm ngoái.
Ông Pascal Canfin - Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu: "Đây là một thỏa thuận lịch sử. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong ít nhất hai thập kỷ qua. Và giờ đây chúng tôi đã thành công. Liên minh châu Âu là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới áp giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu".
Theo quy định mới, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua 'chứng chỉ khí thải' theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Việc này là nhằm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa châu Âu vốn có giá cao hơn do phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về phát thải.
CBAM cũng là một trong những cơ chế duy nhất mà EU có để khuyến khích các đối tác thương mại giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực sản xuất.
Những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu của EU tại châu Á gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Chống phân biệt đối xử về môi trường
Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới thì giá carbon mà các doanh nghiệp trong EU đang phải trả là 75 USD/tấn, đây là mức giá thuộc diện cao nhất thế giới. Để so sánh thì mức giá tại Hàn Quốc là 18,75 USD/tấn carbon, tại Trung Quốc là 9,2 USD/tấn, còn tại Nhật Bản là 2,3 USD. Đây được cho là lý do EU ra quy định mới để các công ty bên ngoài EU sẽ phải trả mức giá ngang với những gì các doanh nghiệp EU đã phải tuân thủ trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, những quy định như thế này thường không nhận được sự hoan nghênh của các đối tác thương mại của EU. Có thể nhìn vào câu chuyện tranh cãi liên quan đến một quy định của EU vừa có hiệu lực cách đây vài tháng, quy định liên quan đến chống phá rừng. Một trong những mặt hàng chịu tác động từ quy định này là dầu cọ, và ngay lập tức, quy định này vấp phải sự phản đối gay gắt của Indonesia và Malaysia, hai nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 6 vừa qua đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với nước láng giềng Malaysia để chống lại cái mà ông gọi là "phân biệt đối xử" đối với các sản phẩm dầu cọ của hai nước. Ông nói: "Hợp tác để chống phân biệt đối xử với dầu cọ và các mặt hàng khác. Tôi thực sự đánh giá cao việc có một phái đoàn chung, Indonesia và Malaysia, tại Brussels gần đây. Chúng tôi không muốn hàng hóa do Malaysia và Indonesia sản xuất bị phân biệt đối xử ở các nước khác".
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim: "Tổng thống Jokowi nhấn mạnh rõ ràng trong G7 và các diễn đàn quốc tế khác để bảo tồn và duy trì các công ty thương mại xuất khẩu dầu cọ của chúng tôi, không chỉ cho các hiệp hội mà còn cho các đồn điền nhỏ. Indonesia và Malaysia cùng chung tiếng nói bảo vệ lợi ích của dầu cọ".
Các nỗ lực liên kết bảo vệ mặt hàng dầu cọ được Indonesia và Malaysia thúc đẩy sau khi Liên minh châu Âu ban hành Quy định về chống phá rừng (EUDR). Quy định này yêu cầu tất cả các nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng các sản phẩm của họ không có nguồn gốc từ phá rừng hoặc từ các đồn điền được xây dựng bằng cách phát quang các khu vực rừng. Các nhà xuất khẩu sẽ bị phạt nếu vi phạm quy tắc.
Các sản phẩm được quy định trong Quy định về chống phá rừng của EU bao gồm dầu cọ và các sản phẩm liên quan, than củi, ca cao, cà phê, đậu nành, thịt bò, gỗ, cao su, giấy và da. Quy định được ban hành vào tháng 4/2023 và chính thức có hiệu lực vào ngày 16/5 vừa qua.
Trước đó, Luật Năng lượng tái tạo của EU năm 2018 yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu vận tải làm từ dầu cọ vào năm 2030, vì mặt hàng này được cho là có liên quan đến nạn phá rừng.
Indonesia và Malaysia chiếm tới 85% xuất khẩu dầu cọ toàn cầu, trong khi EU là thị trường tiêu thụ dầu cọ lớn thứ ba thế giới. Các cuộc đàm phán giữa Indonesia, Malaysia và EU đã bắt đầu vào đầu tháng 9 này nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến xuất khẩu dầu cọ vào thị trường EU theo quy định mới.
Thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi xanh
Với cơ chế CBAM, về phía EU, bên cạnh vấn đề giảm phát thải, bảo vệ môi trường thì lý lẽ được đưa ra còn là bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp của EU. Còn về phía các nước đang phát triển, công bằng trong lĩnh vực môi trường, khí hậu thường được nhìn rộng hơn, thậm chí còn được đề cập với khái niệm công lý khí hậu. Nó liên quan đến việc xác định và chia sẻ trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 đã đề ra nguyên tắc "những trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt", trong đó đặt ra những yêu cầu riêng về trách nhiệm của các nước phát triển. Tuy nhiên, trách nhiệm chung cũng là cam kết đã được chính các nước đang phát triển nhất trí nhằm ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, ngăn chặn trái đất nóng lên.
Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, trong đó có việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh. Đây được coi là xu hướng tất yếu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết, đồng thời đáp ứng các quy định quốc tế mới về giảm phát thải như cơ chế CBAM của EU.
Sự ra đời của cơ chế áp giá carbon của EU cho thấy hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế sẽ ngày càng gắn chặt hơn với các tiêu chí về bảo vệ môi trường và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, với những đòi hỏi ngày càng cao hơn, quy định ngày càng chặt chẽ hơn.
Đón nhận điều đó với một tâm thế không quá lo lắng nhưng cũng không thờ ơ hay chủ quan, là cách tiếp cận phù hợp để các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị cần thiết và chủ động trước những thay đổi sắp tới.
Xem thêm: nhc.286320361019032881-neit-art-iahp-od-iougn-meihn-o-yag-ia-nobrac-aig-pa-ue/nv.fefac