BẾ TẮC VÌ BỊ TỪ CHỐI CUNG CẤP TÀI LIỆU
Một trong những loại chứng cứ quan trọng ở các vụ án dân sự, hành chính là các loại văn bản, tài liệu. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, phần lớn văn bản, tài liệu do cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ, thậm chí rất nhiều tài liệu mật, người dân muốn tiếp cận và thu thập là hết sức khó khăn.
Từng tham gia vô vàn vụ án dân sự, luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng LS Kết nối, đúc kết kinh nghiệm: Khó khăn do nhận thức, điều kiện kinh tế chỉ là phần nhỏ, phần lớn là cơ quan quản lý nhà nước - nơi lưu giữ tài liệu, chứng cứ có tạo điều kiện hay không.
Cuối năm 2022, LS Hùng tham gia vụ án phân chia thừa kế trên địa bàn H.Gia Lâm (Hà Nội). Ông cùng gia đình đương sự tới chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đề nghị cung cấp tài liệu để xác định nguồn gốc tài sản mà người chết để lại như trích lục bản đồ, sổ mục kê… Tuy nhiên, cơ quan này cho biết đây là bí mật đời tư cá nhân, chỉ cung cấp khi có văn bản yêu cầu từ tòa án. LS Hùng liên hệ phía tòa thì tòa cho hay chỉ thụ lý vụ án khi có tài liệu chứng minh căn cứ khởi kiện. "Nói vậy không khác gì đánh đố, chúng tôi mắc kẹt ở giữa", LS Hùng nói và kể rằng văn phòng LS sau đó có đơn khiếu nại nhưng chỉ nhận được sự im lặng, khiến vụ việc rơi vào bế tắc.
Tương tự, LS Hoàng Công Tâm, Chủ tịch Công ty luật Onekey&Partners, chia sẻ vụ án xảy ra tại TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Một gia đình có nhiều người con, cha mẹ mất để lại thửa đất. Hầu hết mọi người muốn giữ thửa đất làm nơi sinh hoạt chung, nhưng tá hỏa phát hiện "sổ đỏ" đã sang tên cho người anh. Cho rằng "sổ đỏ" cấp sai, các thành viên muốn khởi kiện UBND thành phố đề nghị hủy sổ. Họ nhiều lần liên hệ tới văn phòng đăng ký đất đai để thu thập tài liệu về thửa đất, nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, đương sự đành khởi kiện chia di sản thừa kế kèm theo yêu cầu hủy "sổ đỏ", để có căn cứ đề nghị tòa thu thập hồ sơ.
"Bản thân họ không hề muốn chia di sản mà chỉ muốn hủy sổ, giữ đất làm của chung, nhưng vì không thể tự thu thập chứng cứ nên đành phải đi "cửa ngách". Nếu bỏ nghĩa vụ của tòa, tôi cũng không chắc là có cách nào để lấy được tài liệu từ văn phòng đăng ký đất đai, vụ việc sẽ đi vào ngõ cụt", LS Tâm nói.
Rõ ràng, khi có cả LS đồng hành, việc tự thu thập chứng cứ của người dân vẫn khó trăm đường. Luật Tố tụng dân sự nêu rõ đương sự có quyền đề nghị và cơ quan được đề nghị phải cung cấp tài liệu, chứng cứ mà mình lưu giữ, nhưng thực tiễn cho thấy hiệu lực của quy định này còn rất thấp.
Như câu chuyện của LS Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng LS Bùi Đình Ứng, về trường hợp cha mẹ cầm cố "sổ đỏ" để vay tiền cho công ty của con trai ở Hà Nội. Sau khi khoản nợ tất toán, lẽ ra "sổ đỏ" phải trả lại cho cha mẹ thì ngân hàng lại đưa cho người con, người con sau đó mang đi cầm cố. Để đòi lại "sổ đỏ", cha mẹ đến ngân hàng đề nghị cung cấp hồ sơ về khoản vay, nhưng nhận được trả lời rằng không còn lưu giữ tài liệu gì. "Không có chứng cứ, họ không biết kiện ai, kiện ngân hàng hay kiện người con; nếu cứ gửi đơn tới tòa thì chắc chắn không được thụ lý vì không có căn cứ", LS Ứng chia sẻ. Vị LS cho rằng đang có khoảng trống pháp lý trong việc chế tài đối với hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.
ÁN HÀNH CHÍNH: KHÓ VÔ CÙNG
Nhiều LS đánh giá nếu việc tự thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự khó 1 thì với án hành chính khó 5, nhất là trường hợp người bị kiện lại là cơ quan nắm giữ thông tin liên quan đến vụ án. Một số cơ quan sẽ không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu không đầy đủ. Quan điểm này còn được đề cập ở báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, rằng trong các vụ án hành chính, đương sự là người khởi kiện nhưng tài liệu, chứng cứ thì do cơ quan nhà nước lưu giữ, việc tự thu thập rất khó khăn.
Theo LS Nguyễn Đại Hải (Công ty luật Fanci), nếu so sánh ở mức tương đối, nguyên đơn và bị đơn trong vụ án dân sự có "cán cân" khá cân bằng về điều kiện thu thập chứng cứ. Còn với án hành chính, "cán cân" ấy lệch về phía người bị kiện, cũng chính là cơ quan nắm giữ phần lớn tài liệu, chứng cứ có thể giải quyết vụ án; người khởi kiện muốn tiếp cận và thu thập được những tài liệu này không dễ dàng.
Chứng minh cho nhận định của mình, LS Hải kể về vụ án người dân khởi kiện UBND H.Tĩnh Gia (nay là TX.Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), yêu cầu bồi thường đất theo giá đất ở chứ không phải đất nông nghiệp. Quá trình tham gia, LS và người dân đề nghị phía UBND huyện cung cấp hồ sơ liên quan (bản đồ địa chính, sổ mục kê…). Tuy nhiên, UBND huyện chỉ cung cấp các tài liệu về dự án thu hồi đất chứ không cung cấp gì về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, với lý do không có hoặc không tìm thấy. Thậm chí, khi phía người bị kiện đề nghị xác nhận quá trình sử dụng đất, UBND huyện cũng không xác nhận, khiến vụ việc nhiều khi bế tắc.
Hồi tháng 3.2023, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hủy, sửa án hành chính cao là việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp - người bị kiện. Theo đó, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa rất hạn chế; nhiều vụ án UBND, chủ tịch UBND cung cấp chứng cứ không đầy đủ, không đúng thời hạn theo yêu cầu, thậm chí có vụ việc không cung cấp chứng cứ, dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Trong những lý do đưa ra để bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, TAND tối cao nhận định việc này sẽ giúp phán quyết của thẩm phán khách quan, công bằng hơn, bởi khi ấy thẩm phán sẽ giữ vai trò trọng tài, xét xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên cung cấp. Nhưng theo LS Nguyễn Đại Hải, cần phải thấy rằng tòa án muốn khách quan thì phải có điều kiện để khách quan, mà điều kiện ở đây chính là chứng cứ. "Thẩm phán phải có đầy đủ chứng cứ để đánh giá toàn diện, đúng bản chất. Nếu đương sự bị gây khó khăn, không thể tự thu thập đầy đủ chứng cứ thử hỏi làm sao thẩm phán khách quan được, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bản án", LS Hải nói.
Xuất phát từ những khó khăn như đã nêu, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng cần duy trì nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án như hiện nay, để giúp đỡ những đương sự yếu thế. Đề xuất của TAND tối cao xét về tương lai xa hơn mới có thể khả thi, khi đã có đủ điều kiện cả về kinh tế - xã hội và nhận thức pháp luật.
"Vai trò của thẩm phán là bảo vệ công lý, phải đánh giá công minh dựa trên những chứng cứ thu thập được, không thể nói vì sợ không khách quan mà bỏ việc này được", đại biểu Vũ Trọng Kim nêu quan điểm.