Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết hiện nay dự án chưa hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Quốc hội mới có nghị quyết điều chỉnh vào tháng 6.2023. Việc điều chỉnh các nội dung của ĐTM vẫn đang được các đơn vị tư vấn thực hiện. Một trong các nội dung điều chỉnh, bổ sung trong ĐTM là phải đưa ra phương án xử lý và phòng tránh trong điều kiện vỡ đập. Mặt khác, phải đánh giá tác động đa dạng về hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng 137 ha ở Khu bảo tồn Núi Ông. Do đó, việc trồng rừng thay thế chưa được triển khai, mới chỉ là các công đoạn chuẩn bị.
TRỒNG RỪNG THAY THẾ RA SAO ?
Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, việc khai thác diện tích rừng trong lòng hồ Ka Pét sẽ tiến hành theo tiến độ dự án để bàn giao mặt bằng. Cơ quan chức năng sẽ đánh số từng cây gỗ (có đường kính từ 10 cm trở lên). Sau đó mới thẩm định, tiến hành đấu giá quyền khai thác. Trách nhiệm của giám sát sẽ giám sát ranh giới lòng hồ với rừng giáp ranh nhưng nằm ngoài dự án. "Rừng bên ngoài ranh sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, dù chỉ một cây gỗ bị mất cũng sẽ xử lý ngay. Khi khai thác gỗ, vận chuyển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đường giao thông. Nếu tu sửa thì lấy tiền đấu giá gỗ này để sửa đường", ông Sơn cho hay.
Về việc trồng 1.844 ha rừng thay thế, ông Sơn cho biết Sở NN-PTNT đang chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát toàn bộ diện tích trong lâm phần đang quản lý, đăng ký về Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sau đó Chi cục Kiểm lâm sẽ phúc tra kết quả diện tích đăng ký từ chủ rừng. "Hiện nay Thông tư số 25 ngày 30.12.2022 của Bộ NN-PTNT thay thế Thông tư số 13 (có hiệu lực từ ngày 15.2.2023) được mở rộng ra đối tượng trồng rừng thay thế. Theo đó, trước đây chỉ trồng trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nay mở rộng ra trồng rừng thay thế trên rừng sản xuất và rừng trồng bị chết cây được thanh lý", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay Sở NN-PTNT Bình Thuận đã thống kê diện tích hơn 2.000 ha được đăng ký trồng rừng mới nhưng phải rà soát lại xem có đủ điều kiện, có chồng lấn với đất của người dân hay không. Sau đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá trị rừng trồng thay thế. Đơn vị chủ đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét có trách nhiệm nộp tiền vào quỹ phát triển và bảo vệ rừng, để triển khai xuống các đơn vị chủ rừng thực hiện việc trồng rừng thay thế.
Đối với việc giám sát trồng rừng thay thế trong các dự án trước đây, theo ông Sơn, từ năm 2021, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có đoàn giám sát việc trồng rừng thay thế giai đoạn từ 2016 - 2020. Theo báo cáo ngày 30.11.2021 đã được HĐND tỉnh thông qua, kết luận việc trồng rừng thay thế đảm bảo theo yêu cầu các quy định hiện hành.
RỪNG TRỒNG MỚI CÓ THAY THẾ ĐƯỢC VAI TRÒ RỪNG ĐÃ MẤT ?
PGS-TS Vũ Thanh Ca (giảng viên cao cấp Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội) cho rằng quan ngại của dư luận xã hội về tính hiệu quả của trồng rừng thay thế có cao hay không là đúng và cần thiết.
"Phải nhấn mạnh rằng từ trước đến nay, chúng ta đã thực hiện nhiều dự án không đến nơi đến chốn và thậm chí có nhiều tiêu cực, tham nhũng khi triển khai. Dư luận xã hội sẽ tạo áp lực, buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thận trọng, giám sát và tự cải thiện để hoạt động trồng rừng thay thế hiệu quả. Dư luận xã hội đồng thời cũng phản ánh sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình quản lý và cần được khuyến khích điều này", ông Ca nói.
DIỆN TÍCH LÚA TĂNG Hơn CHỤC LẦN NHỜ HỆ THỐNG HỒ THỦY LỢI
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Bình Thuận Nguyễn Hữu Quý, vị trí xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét được quy hoạch từ năm 1995 và do chính Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch này.
Hồ Ka Pét chưa phải là công trình thủy lợi lớn nhất ở Bình Thuận. Nếu đặt vị trí hồ Ka Pet ở vị trí khác thì nó không có khả năng điều tiết mùa (giữ nước mùa mưa lại dùng cho mùa khô) và làm giảm tốc độ lũ quét xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Quý, thời điểm đó cả tỉnh Thuận Hải (tách thành Ninh Thuận và Bình Thuận) chỉ có sản lượng 240.000 tấn lúa thì Ninh Thuận chiếm tới 200.000 tấn, Bình Thuận chỉ có 40.000 tấn (sản lượng lúa của Bình Thuận hiện nay hơn 700.000 tấn/năm). Thời điểm đó, Bình Thuận chưa có hồ thủy lợi nào cả rồi Bộ NN-PTNT duyệt quy hoạch xây dựng hồ thủy lợi đến 2005 (trong đó có các hồ Sông Móng - Ka Pét); sau này quy hoạch không thay đổi, chỉ điều chỉnh về số liệu.
Theo quy hoạch được duyệt từ đó thì hai hồ Sông Móng và Ka Pét là "một cặp hồ không thể thiếu nhau" (Sông Móng đã làm) trong hệ thống hồ thủy lợi phía nam Bình Thuận.
Theo chuyên gia Vũ Thanh Ca, việc trồng rừng thay thế chỉ hiệu quả với điều kiện phải trồng các cây bản địa, chứ không phải cây ngoại lai. Có thể làm được việc này bằng cách sử dụng hạt giống, cây giống lấy từ khu rừng bị mất hoặc các khu rừng lân cận để ươm trồng. Trồng rừng xong cần chăm sóc, giám sát và bảo vệ chặt chẽ theo quy định. Nếu làm tốt, sau một thời gian thì hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ phục hồi. Nhất là khu vực dự kiến trồng rừng nằm ở trong hoặc cạnh Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Các khu vực này có lượng mưa vừa phải. Nếu chăm sóc và bảo vệ tốt, do có nước nên thảm thực vật nhiều tầng tại các khu vực rừng trồng sẽ nhanh chóng được khôi phục.
"Tôi cho rằng trong khoảng thời gian từ 10 - 20 năm, việc trồng đúng phương pháp, chăm sóc, quản lý và bảo vệ tốt sẽ giúp ta có những khu rừng trồng có chất lượng với thành phần loài của động, thực vật tương đương rừng tự nhiên đã bị thay thế", ông Ca nhận định.
"KHÔNG CÓ SỰ PHÁT TRIỂN NÀO MÀ KHÔNG PHẢI ĐÁNH ĐỔI"
Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Bình Thuận (nguyên giám đốc các sở: Thủy lợi, NN-PTNT, KH-CN Bình Thuận), nói "không có sự phát triển nào mà không phải đánh đổi". Ông Quý cho biết đây không phải lần đầu Bình Thuận chuyển đổi rừng làm hồ thủy lợi. Trước đây, khi làm hai hồ Hàm Thuận - Đa Mi, Bình Thuận đã phải chuyển đổi gần 3.000 ha rừng, chưa kể các hồ Sông Quao, Cà Giây và các hồ khác cũng đều chuyển đổi rừng.
"Mỹ Thạnh là vùng cách mạng, đồng bào ở đó có đời sống khó khăn, nhất là sau những năm đầu phát triển nông nghiệp của Bình Thuận. Làm sao để người dân thoát nghèo thì phải thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu. Mà muốn thay đổi tập tục canh tác thì phải có nước", ông Quý phân tích.
Trả lời câu hỏi vì sao phía dưới Ka Pét đã có nhiều hồ rồi mà vẫn cứ nhất thiết phải làm hồ Ka Pét? Ông Quý cho rằng các hồ bên dưới là những hồ đập nhỏ, dung lượng ít và có khi bị cạn trơ đáy vào mùa khô, không đủ tưới cho diện tích nông nghiệp của cả huyện. Ông Quý cho rằng "làm hồ xong sẽ hủy hoại hệ sinh thái rừng là nhận định sai lầm".
"Chúng ta trồng lại rừng với diện tích gấp 3 lần diện tích ngập. Điều quan trọng là chúng ta có cơ chế giám sát, kiểm tra việc trồng rừng phù hợp hay không mà thôi. Làm hồ nào cũng mất rừng cả, nhưng hãy nhìn diện tích đất nông nghiệp chủ động tưới và thành quả từ hệ thống thủy lợi đem lại hôm nay so với khi không có hồ thủy lợi, sẽ thấy sự khác biệt và lợi ích mà thủy lợi mang lại cho cuộc sống người dân Bình Thuận", ông Quý phân tích.
"Khi chưa có hồ Sông Quao, vách núi khô cằn. Khi hồ làm xong thì xung quanh xanh ngắt dù là mùa khô. Cả H.Hàm Thuận Bắc ngày xưa chỉ có 15.000 ha đất nông nghiệp, nay có tới 59.000 ha chủ động được nước tưới (trong đó 27.000 ha đất lúa) là nhờ hồ Sông Quao đấy. Sản lượng lương thực năm 2022 của H.Hàm Thuận Bắc đạt hơn 164.000 tấn, gấp 4,7 lần so năm 1985; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 150 triệu đồng/ha vào năm 2022, gấp 10 lần trước khi chưa có công trình thủy lợi hồ Sông Quao (1995)", ông Quý dẫn chứng.