Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là thành quả từ sự phát triển trên nhiều mặt trong quan hệ Việt - Mỹ sau 10 năm của khuôn khổ Đối tác toàn diện. Sự kiện này cũng đại diện cho những cam kết cũng như mong muốn chung của hai nước về việc tìm kiếm phương thức hợp tác mới giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu bước sang giai đoạn có nhiều chuyển biến quan trọng.
Thời điểm hoàn hảo
Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam đã được Nhà Trắng ưu tiên, xét trên thực tế lịch trình của ông Biden sẽ rất bận rộn vào cuối năm, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang gần kề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết các chuyên gia về khu vực đều cho rằng chuyến thăm và việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện Mỹ đang đánh giá cao Việt Nam. TS Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường luật Canberra, Úc) cho rằng đây là chuyến đi mang ý nghĩa lớn, nêu bật tầm quan trọng của Việt Nam trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi hai nước chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan tâm chung.
"Đặt trong những căng thẳng leo thang ở khu vực gần đây, một mối quan hệ đối tác được nâng cấp với Việt Nam là hợp lý và phục vụ lợi ích cho cả hai nước", nhà nghiên cứu chính sách khu vực này nói với Tuổi Trẻ.
Khi bàn về tính thời điểm, TS Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore) nhận định ngoài việc trùng khớp kỷ niệm tròn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, việc nâng cấp nếu tiến hành sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào cuối năm sau.
"Một mặt, trong năm bầu cử chính quyền Mỹ sẽ rất bận rộn, khiến Mỹ khó có thể quan tâm đầy đủ tới các quan hệ ngoại giao nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng. Mặt khác, không loại trừ khả năng có sự thay đổi trong chính quyền Mỹ sau bầu cử, đi theo đó là những điều chỉnh trong chính sách và ưu tiên đối ngoại của Mỹ", ông nói.
Cảm hứng cho khu vực
Kinh tế là một trụ cột trong quan hệ Việt - Mỹ và cũng là một trong những nhân tố chính khiến Việt Nam trở nên quan trọng đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực. Từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD lúc đầu nay đã hơn 123 tỉ USD theo số liệu năm 2022.
Giới quan sát đa phần lạc quan cho triển vọng hợp tác kinh tế sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ.
Theo GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong) - một nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa có ảnh hưởng trong khu vực, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một động thái quan trọng đưa Việt Nam trở thành trụ cột trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế và chiến lược.
Đối với Việt Nam, việc tăng cường quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ mang lại nhiều cơ hội hợp tác và tăng trưởng. Hiện nay, từ cả giới quan sát lẫn các tuyên bố từ phía Mỹ, một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm sẽ là mảng công nghệ.
Theo GS Chaisse, triển vọng Việt Nam nổi lên như một "con hổ châu Á" là một thực tế có thể cảm nhận được. Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế công nghệ cao thông qua các nỗ lực kết hợp giữa nuôi dưỡng tài năng công nghệ trong nước và thúc đẩy đổi mới. Mỹ vốn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nên sẽ là đối tác không thể thiếu trong nỗ lực này.
Bên cạnh đó, hợp tác Việt - Mỹ cũng có thể đóng vai trò là động lực cho khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN. "Đây là một sự tăng cường và sự tăng cường này sẽ thúc đẩy sự năng động kinh tế trong cộng đồng ASEAN, thúc đẩy môi trường cạnh tranh mạnh mẽ và cùng phát triển", ông Chaisse nói với Tuổi Trẻ.
Giá trị của mối quan hệ mới
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện sự tin cậy và những cam kết phát triển giữa Việt Nam và Mỹ. Các chuyên gia đã phân tích với Tuổi Trẻ về giá trị thực sự của mối quan hệ mới này.
Là người nghiên cứu lâu năm về Việt Nam và chính trị Đông Nam Á, TS Zach Abuza (Học viện Chiến tranh, Mỹ) cho biết việc nâng cấp quan hệ sẽ giúp các bộ, ngành Việt Nam dễ tương tác với phía Mỹ hơn ở một cấp độ chính trị cao nhất. Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện không phản ánh một thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại đa phương và độc lập của Việt Nam.
Về mặt kinh tế, các chuyên gia cũng cảnh báo việc nâng cấp quan hệ không tự động thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mà chỉ tạo thêm thời cơ và động lực hợp tác.
Ông Stephen Olson, chuyên gia kinh tế tại Quỹ Hinrich, cũng đánh giá việc nâng cấp quan hệ "phần lớn mang tính biểu tượng" vì điều này không đi kèm bất kỳ cam kết tiếp cận thị trường cụ thể hay việc cắt giảm các hạn chế thương mại và đầu tư nào.
"Tuy nhiên, việc nâng cấp quan hệ vẫn là dấu hiệu quan trọng cho thấy giá trị chiến lược mà chính quyền ông Biden đặt vào Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam khi Mỹ tiếp tục nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong các mối quan hệ kinh tế...", ông Olson nói.
Ông cho rằng rất ít doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hay thậm chí Tổng thống Biden. "Họ sẽ đánh giá thực tế thương mại và kinh tế, đưa ra quyết định dựa trên những yếu tố đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng và chiến lược "friend-shoring" của Mỹ là hợp lý, xuất phát từ cả suy tính kinh tế mạnh mẽ có lợi cho Việt Nam hay mong muốn đa dạng hóa thương mại của họ...", ông Olson phân tích với Tuổi Trẻ.
Đối tác chiến lược toàn diện là gì?
Trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, từ thương mại, đầu tư cho tới công nghệ, năng lượng... Đồng thời, các bên xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết Đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình.
Tính đến nay, Việt Nam đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia bao gồm Trung Quốc (năm 2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Mỹ (2023).
Tôn trọng, tin tưởng và hợp tác
Trong khi nhiều người cho rằng chuyến thăm này là không thể, Tổng thống Joe Biden vẫn cố gắng thực hiện dù lịch trình bận rộn với Hội nghị thượng đỉnh G20. Đó là một minh chứng quan trọng cho cam kết rất lớn của nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ đối với mối quan hệ song phương hai nước.
Trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 mà tôi vinh dự tham gia vào việc tổ chức, Tổng thống Barack Obama và nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí về Tuyên bố tầm nhìn chung, trong đó "hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Kể từ đó, cả hai nước đều hành động trên cơ sở tôn trọng đó. Mỹ hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hoạch định chính sách cũng giống như Việt Nam hiểu hệ thống dân chủ của Mỹ.
Chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự nâng cao mối quan hệ và sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Cuộc gặp lịch sử của ông với Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục năm 2015 đã mở ra cánh cửa cho sự hợp tác và tiến bộ hơn nữa trong quan hệ song phương.
Kể từ đó, chúng ta đã mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh, giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng, giáo dục...
Thương mại và đầu tư song phương của chúng ta đã phát triển vượt bậc trong ba thập niên qua, với tổng giá trị thương mại đạt 123 tỉ USD vào năm 2022, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD vào thị trường này, với vốn đăng ký 11,4 tỉ USD tính đến cuối năm 2022. Chưa kể hàng tỉ USD khác đã vào Việt Nam thông qua bên thứ ba như Singapore.
Về mặt an ninh, hai nước ngày càng có những lợi ích chiến lược tương đồng. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Washington phần lớn phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc giải quyết các di sản chiến tranh tiếp tục là yếu tố nền tảng cho mối quan hệ bền chặt của chúng ta.
Tôi tin rằng ngày hôm nay chúng ta đã có được một tình bạn sâu sắc, đó không phải là kết quả của sự tình cờ mà là sự chăm chỉ và lòng dũng cảm. Có những người đến từ Việt Nam và Mỹ đã mạo hiểm rất nhiều để xây dựng mối quan hệ này. Đối với tôi, bài học rất đơn giản: tôn trọng, tin tưởng và hợp tác.
Nếu chúng ta tôn trọng văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ của nhau, chúng ta có thể xây dựng lòng tin. Nếu chúng ta tin tưởng lẫn nhau, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng mọi thứ. Nếu chúng ta cùng nhau xây dựng mọi thứ, chúng ta có thể trở thành đối tác. Đó là nền tảng của mối quan hệ giữa chúng ta.
Sự nâng cấp trong mối quan hệ báo hiệu rằng sẽ không có rào cản nào để ngăn chúng ta tiến về phía trước.
Ông Ted Osius (chủ tịch kiêm giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn Việt Nam vì đã đón tiếp ông một cách nồng ấm, đồng thời khẳng định chuyến công du Việt Nam sẽ đi vào lịch sử.