- Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt 123,7 tỷ USD trong năm 2022 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong năm 2023 này. Dòng vốn FDI của Mỹ đứng vị trí thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên trên "đường băng" để quan hệ thương mại Việt – Mỹ cất cánh, ông có cảm nghĩ gì với những thành tựu mà 2 nước đã đạt được?
Từ ngày Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký tới nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại là chưa từng có trong lịch sử. Tăng rất nhanh, nhất là xuất khẩu. Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ tăng nhanh ngoài sự tưởng tượng của tôi. Chỉ 2 năm sau BTA, chúng ta đã xuất siêu.
Bạn yên tâm đi, sẽ còn tiếp tục tăng nữa nếu như Việt Nam có sức. Đây là điểm đặc biệt.
Việt Nam luôn luôn xuất siêu nhưng người Mỹ không nặng nề. Theo nguyên tắc, xuất siêu bao nhiêu đó thì phải phạt nhưng với Việt Nam, Mỹ gần đây mới có nhắc nhở. Thế nhưng, Việt Nam chúng ta rất khôn. Chúng ta tìm cách cùng làm việc với Mỹ để nâng xuất khẩu của Mỹ chứ không phải hạn chế xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến Mỹ hài lòng còn Việt Nam chúng ta có thể xuất siêu mãi.
- Vậy ông đánh giá ra sao về đầu tư FDI từ Mỹ vào Việt Nam?
Tôi cho rằng ở thời điểm này, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, mong đợi. Dưới thời Tổng thống Donald Trump và Joe Biden, các doanh nghiệp Mỹ đứng trước bài toán phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này khiến họ chuyển dần một phần sản xuất sang Việt Nam. Thế nhưng, tôi kỳ vọng nhiều hơn thế.
- Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội từ tiềm năng của thị trường Mỹ ra sao?
Báo chí cho biết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tới hơn 70% là từ các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư. Từ may mặc, điện tử tới sản phẩm công nghệ cao… chủ yếu đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất đi. Tuy nhiên, nhờ có yếu tố nước ngoài này nên doanh nghiệp Việt cũng "lên tay" và học hỏi được nhiều.
Để cải thiện thực tế này, cần có thời gian. Chúng ta mới chỉ có các doanh nghiệp tư nhân trong vài chục năm trở lại đây. Cần từ từ để doanh nghiệp tư nhân lớn. Thời gian cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, những thay đổi về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp có đà phát triển cũng rất cần thiết.
- Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 tới nay, tất cả các tổng thống Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều thăm Việt Nam. Theo quan điểm của ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Không nhiều quốc gia mà tất cả các Tổng thống Mỹ đều sang thăm như Việt Nam. Đó là một sự đặc biệt. Việc ông Biden sang Việt Nam cũng rất đặc biệt. Ông Biden không tham dự sự kiện của ASEAN, không tới New York kỷ niệm lễ 11/9 như thông lệ mà chọn sang Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Việt Nam rất quan trọng với Mỹ. Ông Biden sang Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, Việt Nam quan trọng với chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh. Kinh tế tăng trưởng nhanh, uy tín chính trị lên cao trong ASEAN, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Rất ít quốc gia có được vai trò, vị thế đó.
- Một trong những ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Biden là công nghệ, năng lượng sạch cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thậm chí, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet vài tuần trước, thuật ngữ friend-shoring (đặt chuỗi cung ứng ở các nước thân thiện) đã được nêu ra. Việt Nam nên làm gì để tận dụng tốt nhất những cơ hội này nhưng vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia của mình?
Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden, các vấn đề về công nghệ cao và năng lượng sạch sẽ được tập trung. Tôi nghĩ điều này rất có lợi với Việt Nam. Khi Mỹ đã làm ăn với ai, các nước khác cũng sẵn sàng làm ăn với quốc gia đó. Chúng ta cũng từng nhận định làm ăn được với Mỹ là có thể làm ăn được với thế giới. Đây giống như một chứng chỉ xác nhận cho sự yên tâm.
Trong khi đó, Mỹ có điều kiện rất cao, rất nghiêm túc, nói là làm. Khi ký BTA, dù trái với luật Việt Nam nhưng Mỹ cử chuyên gia sang Việt Nam để lập đề án, hỗ trợ sửa luật. Kỳ này, nếu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, tôi nghĩ Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu rất cao trong lĩnh vực then chốt này.
Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các nước châu Âu cũng sẽ vào, tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới.
Tôi nghĩ điều này sẽ đến nhanh thôi.
- Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt nhất những cơ hội tiềm năng này?
Chúng ta cần nhanh tay. Về phía nhà nước, cần cải thiện về cơ chế để gia tăng thông thoáng. Hai là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, để hàng hóa được vận chuyển dễ dàng. Việt Nam đang rất quyết tâm với mục tiêu này. Cuối cùng là nhân lực. Cần thợ giỏi, thợ tay nghề cao.
Công nghệ cao cần tay nghề cao - điều Việt Nam đang rất yếu. Chúng ta cần thời gian và cũng đã có các giải pháp. Đầu tiên là các trường đào tạo. Lĩnh vực công nghệ, IT đang là mảng "hot" với số điểm đầu vào rất cao, hứa hẹn sẽ có nguồn nhân lực chát lượng tốt. Bên cạnh đó, các tập đoàn quốc tế sẽ có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu của chính họ.
Về phía doanh nghiệp, công nghiệp xanh, sản xuất xanh đã trở thành điều kiện then chốt bởi các nước như Mỹ và phương Tây rất đề cao yếu tố này. Ngoài ra cần chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số. Hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chuyển đổi số. Thế giới như vậy, Việt Nam cũng cần theo kịp thế giới để chơi.
Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có 1 cao trào đầu tư vào, giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và lâu dài.
Ảnh: Anh Tuấn