Theo ông Điền, sở dĩ giá lúa giảm có thể do thu hoạch rộ đợt vụ thu đông. "Vài ngày tới có thể giá lúa sẽ tăng trở lại. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch cho xuống giống vụ đông xuân sớm tại một số địa phương đủ điều kiện.
Doanh nghiệp vẫn đang thu mua lúa gạo bình thường, không có doanh nghiệp nào dừng mua đâu mà chỉ có một số người mua ít thôi. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang thăm dò tình hình xem giá lúa gạo bên đây để họ mua số lượng lớn gạo, chuẩn bị cho kịp Tết", ông Điền khẳng định.
Theo ông Điền, hiện nay nông dân đang tập trung thu hoạch số lượng lớn nên giá lúa có giảm hơn so với tuần rồi. Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ làm việc với các tỉnh để tính toán sản xuất làm sao có lúa xuyên suốt tại vùng ĐBSCL.
"Tất cả các nước châu Á đều đang chuẩn bị lương thực từ nay đến cuối năm.
Đặc biệt là thị trường Trung Quốc có dân số đông đang chuẩn bị mua lúa gạo để chuẩn bị bột làm bánh trong đợt cuối năm.
Do đó, không có chuyện doanh nghiệp dừng mua lúa gạo", ông Điền phân tích.
Theo báo cáo của ông Huỳnh Quang Minh - cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang, những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn (gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn). Riêng gạo Nhật tại An Giang xuất khẩu giá 820 USD/tấn.
"Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới", văn bản nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho hay ông đang thu mua lúa của nông dân với giá 7.500 - 7.600 đồng/kg với giống OM5451, giảm gần 400 - 500 đồng/kg. Với giá lúa như vậy sẽ tương đương với giá gạo từ 650 - 680 USD/tấn.
"Lúc trước giá lúa tăng cao hơn 8.000 đồng/kg nên doanh nghiệp và khách hàng nước ngoài cũng "sốc".
Sau đó, thương lái và "cò" ồ ạt mua găm hàng. Từ khi Philippines áp trần giá gạo nhập khẩu nên giá gạo đã giảm nhưng giá gạo Việt Nam vẫn nằm ở đỉnh cao nhất thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp đã chấp nhận và mua bán gạo để xuất khẩu trở lại rồi", ông Bình nói.
Theo ông Bình, Philippines áp giá trần thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, đồng nghĩa các quốc gia khó có thể xuất bán vào thị trường này nên kéo giá gạo trên thị trường thế giới giảm trong những phiên gần đây.
Ông Bình cho rằng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới. Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên giá gạo trong nước khó giảm.
Tại ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa của nông dân chỉ vào khoảng 3.500 - 3.600 đồng/kg. "Tôi khẳng định nếu giá lúa ở mức 7.100 đồng/kg thì người nông dân làm lúa có lợi nhuận trên 60%.
Giá lúa như hiện nay từ 7.500 - 7.600 đồng/kg họ còn lời nhiều hơn nữa. Nhu cầu lương thực từ nay đến đầu năm 2024 là rất lớn nên giá lúa như hiện nay đã giúp các doanh nghiệp sống lại, ký kết hợp đồng mới với đối tác", ông Bình nói.
Ngày 28-8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, với gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt 623 USD/tấn.