Ngày 11-9, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhiều cựu cán bộ và các bị cáo khác trong vụ cấp phép lao động cho hơn 2.800 người nước ngoài ở lại Việt Nam, trong đó có nhiều hồ sơ có tài liệu bị làm giả.
Có 17 bị cáo bị xét xử về các tội "tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép", "nhận hối lộ", "đưa hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Trong đó, có nhiều cựu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm mở sáng nay 11-9, chỉ có 4 bị cáo đang tại ngoại có mặt. TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định hoãn phiên tòa vì các lý do: có tới 13 trong tổng số 17 bị cáo đang bị tạm giam tại trại tạm giam Bộ Công an nhưng chưa hoàn thành thủ tục trích xuất nên không có mặt tại tòa.
Kiểm sát viên của Viện KSND tối cao vắng mặt do bận công tác khác nên viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa. Ngoài ra cũng vắng một số nhân chứng, người có liên quan khác…
Hội đồng xét xử quyết định mở lại phiên tòa từ ngày 9-10 đến 13-10 tại TAND tỉnh Bình Dương.
Sai phạm trong cấp phép lao động
Theo cáo trạng, Nguyễn Kiên Cường - cựu chuyên viên phòng chính sách lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 8,3 tỉ đồng để thẩm định hồ sơ, đề xuất lãnh đạo cấp phép cho hàng ngàn người nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022. Nguyễn Kiên Cường khai chia lại tiền cho giám đốc sở thông qua lãnh đạo phòng nhưng lãnh đạo sở không thừa nhận có việc nhận tiền của cấp dưới.
Ông Lê Minh Quốc Cường - cựu giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" vì đã ký 518 giấy phép lao động cho người nước ngoài trái quy định.
Tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, có tới 3 cựu phó ban bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" gồm: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Nhân, Đặng Quang Việt. Ba cựu phó ban này đã ký các giấy phép lao động có sai phạm, trong khi phủ nhận nhận tiền "lót tay" từ cấp dưới.
Ông Hoàng Thanh - cựu trưởng phòng quản lý lao động thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,5 tỉ đồng để xét duyệt hồ sơ, đề xuất lãnh đạo ký 467 hồ sơ cấp phép lao động.
Tại Ban Quản lý khu kinh tế Bình Phước, ông Đinh Thái Tuấn - nguyên phó phòng quản lý đầu tư - bị cáo buộc đã nhận 751 triệu đồng để thẩm định 281 hồ sơ cấp phép lao động trong thời gian từ tháng 10-2019 đến 3-2022.
Các bị can còn lại trong vụ án là các cá nhân, doanh nghiệp đã nhận tiền của những người nước ngoài có nhu cầu cấp phép lao động, sau đó làm giả các giấy tờ như giấy khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp, giấy xác nhận người lao động là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp…
Các cá nhân, doanh nghiệp này đã "móc nối", đưa tiền hối lộ cho cán bộ sở, ban quản lý và được cấp phép trót lọt hàng ngàn hồ sơ lao động. Trong đó, nhiều người nước ngoài do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không về nước được nên chấp nhận chi tiền để các bị can này làm giấy phép lao động.
Nhiều cán bộ quản lý lĩnh vực cấp phép lao động cho người nước ngoài đã phê duyệt cho hàng ngàn hồ sơ có tài liệu bị làm giả. Có chuyên viên của sở bị cáo buộc nhận hối lộ hàng tỉ đồng.