Dấu hiệu oan, sai của vụ án hình sự
Tháng 12/2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (viết tắt là Công ty Ngọc Hưng, trụ sở tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhập khẩu lô gỗ trắc gần 535,8m3 từ Lào về để xuất khẩu lại sang Trung Quốc. Sau khi đã mở tờ khai hải quan ở cửa khẩu Lao Bảo và đóng thuế cho nhà nước thì bị cơ quan chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan tạm giữ tại Đà Nẵng rồi chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Công an.
Năm 2014, toàn bộ lô gỗ trắc vật chứng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) bán với giá hơn 63,8 tỷ đồng trong khi vụ án còn chưa đưa ra xét xử (theo Công ty Ngọc Hưng, lô gỗ này thời điểm đó giá thị trường là 315 tỷ đồng).
Chính vì hành vi bán tang vật vụ án này, tháng 9/2019, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, ông Phan Văn Vĩnh - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44, Bộ Công an thời điểm đó) đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.
Sau hai phiên tòa hình sự sơ thẩm (TAND TP Đà Nẵng năm 2016) và phúc thẩm (Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng năm 2019), Công ty Ngọc Hưng bị tuyên án với tội danh “Buôn lậu” gỗ trắc và gỗ giáng hương với số lượng 78,8 m3 gỗ (trong tổng số lô gỗ 535,8m3 nói trên). Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng là ông Trương Huy Liệu phải thi hành án 7 năm tù.
Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm cũng tuyên tịch thu sung công quỹ số tiền hơn 4,1 tỷ đồng là trị giá của 78,8 m3 gỗ bị kết tội buôn lậu; số tiền còn lại gần 59,7 tỷ đồng (có được khi bán toàn bộ lô gỗ) do không có căn cứ xem đó là hàng lậu nên tòa phúc thẩm đã tuyên giao cho Tổng cục Hải quan xử lý hành vi vi pham hành chính do công ty khai sai thực tế với tên hàng.
Tuy nhiên, năm 2020 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan lại ra quyết định hành chính tịch thu tang vật được tính là 59,7 tỷ đồng vì cho rằng Công ty Ngọc Hưng “không có đủ chứng từ hợp pháp”. Dẫn đến việc Công ty Ngọc Hưng đã khởi kiện quyết định hành chính này của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Sự lạ ở vụ án hành chính
Suốt 12 năm qua, vụ án gỗ trắc tại Quảng Trịđược xác định là “kỳ án”, khi liên tiếp có những diễn biến lạ lùng, các cơ quan thực thi pháp luật có những xử lý bất nhất và có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng, khiến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị hàng chục lần đăng đàn chất vấn tại Quốc hội.
Vì tính chất đặc biệt của vụ án, nên tại phiên tòa hành chính hôm 7/9 diễn ra ở TP Đông Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã trực tiếp dự và giám sát.
"Theo quy định, hàng hóa không bị cấm lưu hành thì không được phép tịch thu".
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến khi trực tiếp dự và giám sát phiên tòa hành chính vụ kỳ án gỗ trắc ngày 7/9/2023
Vụ án hành chính này từ khi TAND tỉnh Quảng Trị thụ lý vào năm 2020 đến khi đưa ra xét xử hôm 7/9 là hơn 3 năm 10 tháng, thời gian chờ đợi quá dài. Trong khi đó một người rất quan trọng của vụ án này là ông Trương Huy Liệu hiện vẫn phải ngồi tù, không thể có mặt trong phiên xử hành chính này.
Điều này cho thấy, đối với kỳ án gỗ trắc thì phán quyết từ bản án hình sự phúc thẩm cho đến lúc này phải được xem là văn bản pháp luật cần phải tuân thủ khi xem xét các vấn đề liên quan. Thế nhưng diễn biến tại phiên tòa lại khác xa với nhận thức bình thường của nhiều người.
Tại tòa, theo các luật sư phía nguyên đơn, thì phán quyết của Tòa Cấp cao Đà Nẵng là giao cho Tổng cục Hải quan xử lý vật chứng còn lại sau khi đã trừ đi số gỗ chênh lệch được xem là hàng lậu để xử lý hành chính vì chủ doanh nghiệp khai sai hàng hóa so với thực tế.
Bản án hình sự phúc thẩm cũng đã kết luận rõ, là số vật chứng này không có căn cứ xử lý hình sự. Các luật sư lập luận: Nếu toàn bộ lô gỗ hơn 535 m3 đều là hàng buôn lậu, thì bản án dành cho ông Liệu chắc chắn không thể chỉ là 7 năm tù!
Mặt khác, cũng theo các luật sư, khi có quyết định xử lý hành chính thì cũng đã hết thời hiệu xử lý theo quy định. Và ngay cả khi xét thấy có căn cứ xử lý hành chính thì lẽ ra sau khi có quyết định xử lý, phải trả ngay vật chứng - một tài sản lớn của doanh nghiệp cho chủ nhân. Đây là mặt hàng không cấm lưu hành thì không thể tịch thu.
Đại diện phía bị đơn là Tổng cục Hải quan thì trước sau vẫn cho rằng do doanh nghiệp không có đủ chứng từ hợp pháp trong xuất, nhập khẩu nên cơ quan này quyết định tịch thu là đúng pháp luật, hơn nữa tịch thu là xử lý theo hướng làm lợi cho doanh nghiệp (?!). Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Hà khi đọc bản án cũng đồng tình cao như thế. Kết quả Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Quảng Trị bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyết định hành chính của Tổng cục Hải quan là đúng.
Kỳ án gỗ trắc là vụ án gốc, vụ án hành chính là vụ án ngọn. Đáng nói là toàn bộ lô gỗ nói trên đã được mở tờ khai hải quan ở cửa khẩu Lao Bảo, đã đóng thuế cho nhà nước và vận chuyển công khai giữa ban ngày.
Kỳ án gỗ trắc đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người dân bức xúc và cả những đại biểu dân cử như đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền cần xem xét lại vì có quá nhiều dấu hiệu rõ ràng của một vụ án oan, sai.
Xem thêm: mth.68690227011903202-gnul-al-neid-peit-nav-irt-gnauq-cart-og-na-yk/nv.ahos