Châu Âu được mùa du lịch hè
Mặc cho lạm phát và nắng nóng, du lịch châu Âu đã tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, mà còn ghi nhận những kỷ lục về lợi nhuận.
Tờ Jornal de Negócios ra tại Bồ Đào Nha viết: "Đi nghỉ hè ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Một xu hướng được cảm nhận trên toàn châu Âu, nhưng không ngăn được khách du lịch, có thể không mua ô tô và quần áo, chứ nhất quyết không cắt giảm đi chơi".
Theo bài báo, năm nay, khách du lịch từ Anh, Tây Ban Nha và Đức tiếp tục đổ tới Bồ Đào Nha nghỉ hè, lượng khách Mỹ và Canada cũng ngày càng tăng. Riêng trong mảng lưu trú, lợi nhuận từ mỗi phòng cho thuê đã đạt mức cao lịch sử tại Lisbon và Porto. Giá khách sạn tăng 31%. Tính trung bình, sau khi trừ đi mọi chi phí, chủ khách sạn lãi tới 65 Euro cho một phòng một đêm.
Tại Tây Ban Nha, mùa hè nóng bức bất thường đã không làm giảm lượng khách du lịch. Theo tờ El Economista, tỷ lệ phòng khách sạn có khách thuê lên tới 93%, giá thuê phòng tăng 15% so với hè năm 2022. Các phòng đặt vào phút chót còn đắt hơn từ 20 - 30%. Bài báo giải thích nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tăng vọt, nhưng cũng một phần là do bối cảnh lạm phát hiện nay.
Ngành du lịch châu Âu tổng kết một mùa hè nóng bức, nhưng bội thu. (Ảnh: Bloomberg)
Chỉ trong 2 tháng hè vừa qua, nước Pháp đã thu được 65 tỷ Euro từ khách du lịch, nhiều hơn so với 58 tỷ Euro hè năm ngoái.
Tờ Le Figaro viết: "Số lượng người Pháp đi nghỉ trong nước vẫn duy trì ở mức cao như năm trước, lượng khách nước ngoài tới Pháp trên các chuyến bay dài tăng 29%.
Theo tờ báo, khách du lịch châu Á tới Pháp tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, nhưng số lượng lại không đáng kể, do tăng từ mức quá thấp. Hè này, du lịch Pháp thắng lớn còn nhờ thiên thời. Chuyển dịch lớn nhất trong mùa du lịch là biến đổi khí hậu đã khiến khách hàng thay đổi lựa chọn địa điểm đi nghỉ, chưa khi nào kỳ nghỉ trên núi lại bán được tốt như trong hè này.
Trong mùa hè vừa qua, mỗi nước châu Âu đều tìm cách quảng bá du lịch theo cách khác. Tờ Thời báo Thụy Sĩ trích lời một quan chức ngành du lịch: "Thời tiết nóng bức là một rủi ro, nhưng cũng là một cơ hội. Chúng tôi muốn quảng bá những hồ nước xanh của Thụy Sĩ. Với những ai không thích nóng bức, đi nghỉ bên những hồ nước của Thụy Sĩ vẫn an toàn hơn là ra biển".
Các thành phố của Thụy Sĩ đang áp dụng một chiến lược mới, nhấn mạnh rằng du khách có thể bơi lội trong hồ. Thành phố Geneva thậm chí tự phong là thành phố nghỉ mát ven hồ. Giống như các nước khác ở châu Âu, Thụy Sĩ cũng đã ghi nhận lượng khách du lịch cao nhất từ trước tới nay, tại một đất nước không có biển, mà chỉ có núi và hồ.
Người Mỹ đổ xô sang châu Âu mua sắm
Đóng góp lớn nhất cho mùa cao điểm hè ở châu Âu năm nay là khách du lịch Mỹ. Lượng khách Mỹ tăng 55% so với mùa trước. Đồng USD mạnh, có thời điểm tỷ giá tương đương 1 Euro đổi 1 đồng bạc xanh, được xem là động lực chính thức đẩy người Mỹ du lịch châu Âu.
Ngân hàng Bank of America tính toán, người tiêu dùng Mỹ có thể tiết kiệm trung bình 38% khi mua quần áo và đồ trang sức xa xỉ tại châu Âu. Còn các mặt hàng, giá cũng thấp hơn tới 20% khi so sánh tại Mỹ.
Ngoài việc giá rẻ hơn và luôn có các đợt giảm giá mùa hè, khi mua sắm ở hầu hết các nước châu Âu, người tiêu dùng Mỹ có thể yêu cầu hoàn thuế. Trung bình 1 khách du lịch Mỹ năm nay chi khoảng 1.244 Euro, gấp 2,5 lần so với trước đại dịch COVID-19
Theo công ty tư vấn Bernstein, Pháp là điểm đến hàng hóa miễn thuế hàng đầu khi chiếm gần một nửa doanh số bán hàng miễn thuế của châu Âu. Đứng tiếp sau là Italy, theo công ty thanh toán Planet.
Doanh thu bùng nổ của các nền tảng đặt phòng trực tuyến
Du lịch hè sôi động tại châu Âu cũng mang về doanh thu bùng nổ cho các nền tảng đặt phòng trực tuyến. Điều dễ nhận thấy là giá cả mà các nền tảng cung cấp, từ các chuyến bay đến phòng khách sạn, đều cao hơn so với trước đây.
Booking.com - nền tảng đặt phòng với gần 90% doanh thu đến từ châu Âu, cho biết doanh thu quý gần nhất đã tăng 27%, đạt 5,5 tỷ USD. Giá phòng trung bình đã tăng khoảng 9% so với một năm trước đó.
Mức giá cao hơn cũng được phản ánh qua nền tảng đặt phòng lưu trú Airbnb, khi giá phòng đặt qua nền tảng này tăng khoảng 8% tại châu Âu. Airbnb ghi nhận doanh thu quý II đạt 2,5 tỷ USD, trong đó thu về lợi nhuận kỷ lục 650 triệu USD.
Báo cáo từ ResearchAndMarkets.com cho thấy, thị trường cho thuê chỗ lưu trú khi du lịch toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 169 tỷ USD đến năm 2025, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 7,8% từ nay đến năm 2025.
VTV.vn - Các chuyên gia dự báo, trong dài hạn, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể làm thay đổi bản đồ du lịch của châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42731150111903202-hcil-ud-uht-iob-ua-uahc/et-hnik/nv.vtv