vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ vọng lớn vào thương mại Việt - Mỹ

2023-09-12 08:26

Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động đến tổng cầu tại thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn giữ được vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 40 tỉ USD (chỉ sau Trung Quốc và Mexico).

Cơ hội mở rộng giao thương

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp (DN) Mỹ mà mang tính bổ trợ, điều này giúp người tiêu dùng Mỹ có nhiều lựa chọn với mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh, qua đó cân bằng cán cân thương mại.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết các DN ngành dệt may hy vọng khi nâng quan hệ giữa 2 nước lên, giao thương giữa 2 nước sẽ thuận lợi hơn, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ được mở rộng và tốt hơn. "Các DN đã có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ quý IV nhiều hơn quý III. DN kỳ vọng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, Mỹ sẽ có cơ chế thuế suất cho hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ cạnh tranh hơn" - ông Tùng nói.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho hay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của rau quả Việt Nam nhưng gặp trở ngại là do khoảng cách quá xa, DN gặp khó khăn trong bảo quản hàng hóa. Ngoài ra, rau quả Việt Nam phải cạnh tranh với các nước Nam Mỹ với nhiều mặt hàng giống nhau (thanh long, xoài, chôm chôm…) nhưng chi phí logistics của họ thấp hơn nhiều. Do đó, để cạnh tranh hiệu quả khi xuất khẩu vào Mỹ, DN nên tập trung vào những mặt hàng có thời gian bảo quản lâu, hơn 40 ngày, có thể vận chuyển bằng đường tàu biển như: dừa tươi, bưởi và đặc biệt là sầu riêng cấp đông - sản phẩm Nam Mỹ chưa trồng được. "Hy vọng sau khi Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa" - ông Nguyên thông tin.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, một nhà xuất khẩu rau quả lớn, kỳ vọng doanh số xuất khẩu vào Mỹ năm nay sẽ tăng 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân do Mỹ vừa mở cửa trở lại cho mặt hàng dừa tươi và có thêm mặt hàng mới nữa là bưởi. "Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu rau quả vào Mỹ, cơ quan chức năng cần đàm phán mở cửa thêm nhiều loại quả mới như: chanh dây, mãng cầu xiêm… và tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến thương mại để rau quả Việt Nam đi sâu vào các chuỗi cung ứng" - ông Tùng kiến nghị.

Đối với ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tin là thương mại Việt Nam - Mỹ, trong đó có thủy sản của Việt Nam với Mỹ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Theo bà Hằng, Mỹ nhiều năm là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỉ USD, tăng 80% so với cách đó 10 năm. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ (chiếm 80%) đều có doanh số tăng đột phá sau 10 năm. Riêng xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD năm 2022; cá tra tăng 359 triệu USD lên 537 triệu USD. Do đó, cơ hội tăng thị phần tại thị trường Mỹ còn lớn, không chỉ phát triển các sản phẩm truyền thống mà cả sản phẩm chế biến sâu, phù hợp xu hướng thị trường.

Bà Hằng thông tin thêm không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Mỹ cũng xuất khẩu nhiều loại hải sản sang Việt Nam với giá trị khoảng 60 triệu USD/năm. Phần lớn hải sản này được nhập khẩu để gia công chế biến và xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ. Hoạt động này mang thêm doanh thu cho DN Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.

Kỳ vọng lớn vào thương mại Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết Việt Nam và Mỹ chính thức công bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội nhưng còn phụ thuộc nhiều thứ cũng như cần thời gian để trở thành hiện thực. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện còn được xác lập lập trường để giải quyết những rào cản thương mại, thúc đẩy các giải pháp phát triển thương mại giữa hai nước.

Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện còn là cơ hội vô cùng quan trọng để giải quyết những tranh chấp thương mại được nhanh chóng. Ngoài ra, việc Việt Nam được đặt trong vị thế mới và được nằm chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ giúp ngành gỗ trong nước phát triển vượt bậc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn và tỉ lệ lạm phát tăng cao tại Mỹ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã làm nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đi xuống vì lãi suất cao. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Công Thương, sự sụt giảm này chỉ mang tính thời điểm, không phải là xu hướng chủ đạo. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Đứng trước cơ hội phát triển mới cho lĩnh vực xuất khẩu sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh DN trong nước phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường. Các DN khi xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức. 

Ông Michael Nguyen, Giám đốc điều hành Boeing Việt Nam, nhận định Boeing tin rằng mối quan hệ kinh tế song phương Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ giúp tăng cường hợp tác trong ngành hàng không vũ trụ, cũng như góp phần thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam phát triển. Nhiều năm qua, Boeing đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để phát triển và củng cố năng lực hàng không vũ trụ trong nước và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trở thành một cửa ngõ hàng không, phát triển các nhà cung cấp bản địa, đào tạo nhân tài, phối hợp với nền công nghiệp của đất nước để khử carbon cho ngành hàng không… “Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng của Boeing với nền kinh tế không ngừng phát triển, ngành hàng không tăng mạnh về quy mô và chất lượng, vai trò ngày càng thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với cam kết đạt phát thải ròng carbon bằng 0. Boeing rất phấn khởi được gia tăng sự hiện diện tại thị trường này” - ông Michael Nguyen nói.

Th.Phương

Xem thêm: mth.31141141211903202-ym-teiv-iam-gnouht-oav-nol-gnov-yk/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ vọng lớn vào thương mại Việt - Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools