Liên quan đến các bài viết đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng phản ánh về việc Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông báo tạm ngừng xuất khẩu một số lô hàng chuối, mít, sầu riêng,...do phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, trong các bài viết này có sử dụng hình ảnh chuối của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG), mới đây, công ty đã ra lên tiếng về vấn đề này.
Phía HAGL cho biết, các sản phẩm chuối và sầu riêng là các loại trái cây thuộc danh sách trái cây xuất khẩu, phải được thu hoạch từ những vùng trồng đã được cấp mã nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, theo đó, việc Cục Bảo vệ Thực vật gửi thông báo là để yêu cầu cơ quan chuyên ngành của các địa phương phải kiểm soát nghiêm ngặt các vùng trồng đã cấp mã nhằm bảo vệ hoạt động xuất khẩu.
"Riêng đối với HAGL, thời điểm hiện tại, hoạt động xuất khẩu chuối của công ty vẫn đang diễn ra bình thường mà không có bất kỳ hạn chế hoặc vướng mắc gì; ngoài ra, sầu riêng cũng đã thu hoạch xong mùa vụ đầu tiên nên không còn hàng để xuất khẩu", HAGL cho biết.
Cũng xoay quanh vấn đề này, tại Diễn đàn trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” ngày 11/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Hiện không có lô hàng nào ùn ứ tại cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, theo quy định của Nghị định thư, tại thời điểm kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến nếu phát hiện vi phạm thì Việt Nam hoặc Trung Quốc sẽ tạm dừng xuất khẩu với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đó trong thời gian còn lại của mùa vụ. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói đó sẽ phải khắc phục vi phạm, gửi lại hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật và gửi cho cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét.
Vị này lý giải thêm, tạm dừng hay thu hồi có hai cách làm. Đó là Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tự tạm dừng, thu hồi hoặc Trung Quốc sẽ làm.
Theo kinh nghiệm thị trường quốc tế, nếu Việt Nam tự tạm dừng, thu hồi thì rủi ro sẽ thấp hơn. Khi Việt Nam chủ động tự tạm dừng thì việc khắc phục sẽ có tính chủ động hơn. Còn nếu khi phía Trung Quốc thông thì việc khắc phục sẽ phải chờ lịch của họ và quá trình lên lịch đó rất dài. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã chọn phương án chủ động dừng.
Bà Hương nhấn mạnh, việc dừng này là hoạt động thường kỳ của Cục Bảo vệ thực vật. Việc thông báo khắc phục, tạm dừng hay thu hồi phải dựa trên 2 nguyên tắc là: Dứt khoát không ảnh hưởng đến thương mại, quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, đơn vị xuất khẩu. Đồng thời không đánh đồng doanh nghiệp vi phạm với doanh nghiệp tuân thủ tốt.
Ngoài ra, Bà Hương cho biết thêm, nếu vi phạm lần đầu và cơ quan chức năng Việt Nam tự thông báo thì sau khi nhận hồ sơ khắc phục nếu đạt sẽ xử lý ngay, xuất khẩu sớm được trở lại. Nếu khi Trung Quốc thông báo tạm dừng thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ phải gửi lại hồ sơ cho họ. Khi đó sẽ phải chờ sự thông báo phản hồi của cơ quan chức năng Trung Quốc. Với mã số bị thu hồi thì các chủ mã số sẽ phải làm lại từ đầu.