Những biến động trong tỷ giá đồng Yen
Cuối tuần vừa rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản ông Ueda Kazuo đã có những bình luận chính sách làm dấy lên hy vọng rằng Nhật Bản có thể sẽ sớm bước ra khỏi vùng lãi suất âm. Đồng Yen Nhật ngay lập tức đã phục hồi đáng kể sau những bình luận trên.
Trong phiên giao dịch ngày 11/9, đồng Yen đã có lúc phục hồi hơn 1% để chạm mốc cao nhất trong 1 tuần là 145,99 Yen đổi 1 USD. Tuy nhiên, sau đó đồng tiền này lại giảm nhẹ. Ở mốc 146-147 Yen đổi USD vẫn cho thấy đồng Yen đã mất giá khá đáng kể so với các đồng tiền khác.
Nếu tính từ đầu năm, đồng Yen đã mất giá hơn 9% so với USD và thậm chí còn giảm nhiều hơn so với các đồng Euro, Bảng Anh và Franc Thuỵ Sỹ. Ngày 6/9 vừa rồi, đồng Yen thậm chí có lúc đã giảm tới mức phải 147 Yen mới đổi được 1 USD, là mức thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây. Những bình luận của thống đốc BoJ hôm qua được cho là một hình thái can thiệp của chính phủ Nhật, nhằm ngăn đà trượt giá của đồng tiền này.
Đồng Yen yếu tạo áp lực cho người tiêu dùng tại Nhật Bản
Đồng Yen là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau đồng USD và đồng Euro nên đồng tiền này có một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng Yen lên xuống giá có thể tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Có thể nhìn vào những tên tuổi như Toyota hay Honda chẳng hạn. Họ là các công ty xuất khẩu lớn. Khi chuyển doanh thu từ các thị trường nước ngoài về nước, họ sẽ đổi sang được lượng nội tệ lớn hơn. Đồng Yen yếu cũng đã giúp Nhật Bản thu hút nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường chứng khoán nước này trong năm nay.
Tờ báo Quartz đăng bài "Đồng Yen yếu trở thành phao cứu sinh cho các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đang chật vật ở thị trường Trung Quốc". Theo đó, đồng nội tệ yếu cho phép các doanh nghiệp này giảm giá thành sản phẩm khi bán ở thị trường nước ngoài - giúp tăng sức cạnh tranh.
Ở chiều ngược lại, đồng Yen mất giá so với các đồng tiền tệ khác sẽ tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt khi Nhật Bản lại là quốc gia nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hay phân bón nông nghiệp, cuối cùng là gây áp lực cho những người tiêu dùng tại nước này, trong đó có cả cộng đồng công dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Đồng Yen trượt giá đẩy giá thịt, trái cây và rau nhập khẩu tại Nhật Bản tăng khá cao. Thậm chí, cả các mặt hàng nội địa cũng đắt hơn vì phân bón thường phải nhập khẩu. Điều này khiến nhiều chủ doanh nghiệp tại Nhật Bản phải đau đầu vì bài toán cân đối giá cả, cũng như đắn đo về việc tăng lương định kỳ cho nhân viên.
Ông Hiromchi Akiaba, chủ siêu thị tại Nhật Bản, cho biết: "Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt khách hàng và thông báo là sẽ tăng giá hàng hoá. Và kể cả việc tăng lương cơ bản cho nhân viên nữa, dù rất muốn nhưng lực bất tòng tâm".
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản (ISA), hiện có gần 490.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đồng Yen trượt giá cũng ảnh hưởng phần nào tới thu nhập và những khoản dành dụm của họ.
Trong bối cảnh đồng Yen vẫn đang neo ở mức thấp so với đồng đô la Mỹ, cộng đồng người Việt tại Nhật có thể tìm sự trợ giúp từ các doanh nghiệp tiếp nhận và cơ quan chức năng 2 nước.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt tại Fukuoka, Nhật Bản, nói: "Trước mắt, nếu không quá bức bách, các bạn nên giữ lại tiền Yen trong tài khoản, chờ khi nào tỷ giá tốt hơn hãy gửi về Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ hỗ trợ mọi lúc, bất cứ khi nào bà con cần".
Trong những năm gần đây, Nhật Bản càng ngày càng đa dạng các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị dùng trong gia đình. Đồng Yen trượt giá, thêm chi phí năng lượng tăng, nên càng tạo thêm áp lực cho túi tiền của người tiêu dùng tại Nhật.
Triển vọng giá đồng Yen từ giờ tới cuối năm
Theo tờ thời báo phố Wall, liên quan tới sự biến động của đồng Yen, một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà các nhà giao dịch tiền tệ tự hỏi mỗi ngày: Lãi suất sẽ đi về đâu? Đây cũng là yếu tố then chốt để họ dự đoán là đồng Yen sẽ tăng hay giảm từ giờ đến cuối năm.
Những phát ngôn mới đây của Thống đốc BOJ đã đánh dấu khả năng xoay trục khỏi chính sách lãi suất âm của Nhật Bản, kéo theo đó là triển vọng đồng Yen sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Ông Ueda cũng nói thêm rằng mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng đã nằm trong tầm ngắm, cho phép BoJ bắt đầu xem xét chính sách thắt chặt.
Một chiến lược gia tiền tệ tại Resona Bank dự báo lãi suất âm sẽ chấm dứt trong quý I/2024. Bên cạnh đó, đồng USD cũng đã có động thái sụt giảm vào đầu phiên giao dịch tại châu Âu hôm thứ Hai, rút lui khỏi mức cao nhất trong 6 tháng.
Tuy nhiên, với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn trên 4%, chuyên gia này cho rằng xu hướng của đồng Yen sẽ rất khó đảo ngược nếu chỉ dựa vào những đồn đoán về chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản. Nếu nhìn vào xu hướng chung, kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ giá đồng Yen liên tục sụt giảm khi so sánh với đồng USD, thậm chí có lúc mất tới hơn 30% giá trị.
Vì thế, theo trang Yahoo Finance nhận định, trừ khi có những thay đổi chính sách rõ rệt từ phía ngân hàng trung ương Nhật Bản, đồng Yen vẫn khó mà lội ngược dòng trong năm nay. Còn về phía giới chức Nhật Bản, có thể thấy, sự can thiệp mạnh tay sẽ chỉ xuất hiện khi đồng yen có những biến động quá đột ngột với biên độ lớn. Ví dụ như vào năm ngoái, thời điểm tỷ giá đồng Yen so với USD sụt tới 1 Yen chỉ trong 1 đêm, khiến Nhật Bản chi khoảng 62 tỷ USD để can thiệp hỗ trợ đồng nội tệ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.98513619021903202-yan-man-iouc-oav-ioh-cuhp-eht-oc-ney-gnod/et-hnik/nv.vtv