Dự kiến kiểm toán 123 nhiệm vụ
Sáng 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 26, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước.
Báo cáo tại phiên họp, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho hay dự kiến tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 là 123 nhiệm vụ, không tăng so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2023 (129 nhiệm vụ).
Kiểm toán nhà nước định hướng lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Lĩnh vực ngân sách nhà nước, dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 bộ, cơ quan trung ương (đạt tỉ lệ 85%, 34/40 đầu mối kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương, so với năm 2023 là 68%).
Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách sách năm 2023 của 27 bộ, cơ quan trung ương.
Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo quyết toán năm 2023 tại 7 bộ, cơ quan trung ương.
Kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công tại 3 đơn vị gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước.
Kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 tại 22 địa phương.
Kiểm toán ngân sách địa phương tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của 35 địa phương.
Kiểm toán nhà nước cũng dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Lĩnh vực chuyên đề được dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng.
Như việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại nghị định số 10/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023 tại Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước...
Dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư
Ông Thơ cũng cho hay dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng bệnh viện…
Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Trong báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho hay Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Cần ưu tiên các cuộc kiểm toán theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm.
Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp.
Thay vào đó tập trung lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí được giao làm trưởng ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Dự luật này do chính đại biểu Trí đề xuất.