Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu trong chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời về câu chuyện đào tạo nghề và giới thiệu việc làm mới đây. Giáo dục nghề nghiệp là bậc học quan trọng, cung ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo để phục vụ phát triển kinh tế.
Bối cảnh từ năm 2022 đến nay, nhiều công nhân, người lao động mất việc, tạm ngừng hợp đồng, nghỉ chờ việc. Lý giải cho tình trạng cắt giảm lao động thời gian qua thường đi cùng cụm từ "thiếu đơn hàng". Tuy vậy, hội thảo mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM với đề án Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến 2030 lại đưa ra nhận định khác.
Những ngành thâm dụng lao động phổ thông, đặc biệt là sản xuất trang phục, da và sản phẩm liên quan có số lao động giảm mạnh nhất. Những ngành này từng bước di dời sang các địa phương khác cũng như tăng cường đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tăng năng suất lao động. Trong khi đó, lao động ngành công nghiệp giảm nhưng tăng trưởng của ngành này vẫn duy trì tốc độ bình quân trên 6%/năm cho thấy năng suất lao động đang tăng lên.
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng có nhiều điểm tương đồng. Ghi nhận trong khoảng 114.000 người nghỉ việc đề nghị trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay có tới 53% không có bằng cấp hay chứng chỉ đào tạo. Lĩnh vực có nhiều người nghỉ việc là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 37,6%.
Nhưng nghịch lý ở chỗ nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động, nghĩa là thị trường lao động vẫn nơi thừa, nơi thiếu. Chuyên gia về nhân lực Trần Anh Tuấn nói hiện lực lượng lao động vẫn trên nền sơ cấp, thị trường cần một lực lượng lao động đủ lớn, được đào tạo bài bản để có thể thực hiện hiệu quả các đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao và trung bình.
TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 87% lao động đã qua đào tạo, và đến năm 2030 tỉ lệ này là 89%. Nhu cầu lao động được đào tạo ngày càng gia tăng tạo ra nhiều triển vọng cho người học nghề. Chưa kể nhiều chính sách hỗ trợ người học nghề cũng đang được áp dụng.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh sau tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp sẽ được miễn học phí. Ngoài ra, khi tham gia học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng, người học còn được hưởng các chính sách miễn giảm học phí.
Với những bạn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ cũng được hỗ trợ đào tạo nghề trong một năm với các hỗ trợ về kinh phí đào tạo, tiền ăn trong thời gian học, chi phí đi lại một lần (cho khoảng cách từ 15km trở lên)...
Trong khi đó, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa. Người lao động mất việc đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí từ 1,5 - 4,5 triệu đồng.
Những tố chất và yêu cầu đối với một kỹ sư thiết kế cơ khí là gì, nó có khó không? Hãy cùng CareerBuilder tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!