Thông thường, Triển lãm ô tô quốc tế IAA mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là Đức, giới thiệu những cải tiến mới nhất, ấn tượng nhất, làm kinh ngạc du khách cũng như truyền thông.
Nhưng với IAA 2023, báo chí chỉ xoay quanh một vấn đề: làn sóng xe điện từ Trung Quốc đe dọa các hãng ô tô Đức ngay tại quê nhà. Theo Autonews, số lượng xe Trung Quốc ở IAA 2023 nhiều gấp đôi so với triển lãm năm 2021 (IAA tổ chức 2 năm một lần).
"IAA sẽ trở thành sàn diễn của Trung Quốc", đó là nhận định của tuần báo kinh tế hàng đầu nước Đức WirtschaftsWoche. Một tờ báo hàng đầu của Đức khác là Der Spiegel dự đoán "ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ phải trải qua thời gian đầy thách thức".
Còn tờ Fortune của Mỹ đưa ra đánh giá rất cay đắng: "Đất nước này (Đức - PV) từng phải nhún nhường trước thành công của Tesla của Elon Musk. Hãng này đã dễ dàng đẩy các công ty như Mercedes-Benz và BMW xuống chiếu dưới trong làng xe. Họ sẽ không muốn ngay cả các thương hiệu mới nổi như BYD của Wang Chuanfu cũng có thể góp phần gia tăng nỗi khốn khó cho họ ở châu Âu, trong lúc tìm cách tránh cuộc chiến hạ giá với Musk ở Trung Quốc".
Khả năng xuất khẩu của ô tô Trung Quốc
Brian Yang, người đứng đầu BYD châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Đức Handelsblatt: “Chúng tôi muốn gây dựng những sản phẩm cao cấp giá cả phải chăng".
Theo Süddeutsche Zeitung, tờ nhật báo lớn nhất nước Đức, hằng năm người Trung Quốc chế tạo khoảng 40 triệu xe. Con số này cao hơn 15 triệu so với nhu cầu thực tế của thị trường nội địa, cũng lớn hơn nhiều quy mô thị trường ô tô châu Âu. Hơn nữa, nước này cũng kiểm soát 90% nguồn cung pin xe điện trên thế giới thông qua các nhà cung cấp như CATL và Gotion.
Nếu Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế này để tạo ra những chiếc xe như BYD Seal - cao cấp nhưng lại có giá "mềm" hơn hẳn đối thủ, phần còn lại của làng xe cực kỳ khó cạnh tranh.
Sigrid de Vries, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), cho biết: "Trung Quốc đang hướng tầm ngắm vào thị trường châu Âu. Họ có khả năng thay đổi căn bản bộ mặt các ngành công nghiệp châu Âu".
"Ngoài cười trong không cười"
Trung Quốc từng là bàn đạp cho sự phát triển của các hãng xe Đức. Nhưng nay Đức đã thụt lùi.
Mercedes-Benz bán một nửa cổ phần trong Smart cho Geely. BMW nhờ đến Great Wall Motors để giúp phát triển MINI chạy điện, và người Đức sẽ sử dụng xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, những giao dịch này được coi là đôi bên cùng có lợi.
Giờ đây, Volkswagen, từng làm mưa làm gió ở Trung Quốc, chủ động bỏ ra 700 triệu USD chỉ để sở hữu 5% cổ phần trong Xpeng với hy vọng củng cố sự thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển xe điện.
Handelsblatt đánh giá Volkswagen rõ ràng không còn tự tin sau khi tính toán sai lầm và phải tìm kiếm sự giúp đỡ để thay đổi thực trạng đáng buồn: bán được 38.000 xe điện trong nửa đầu năm 2023, trong khi BYD bán được tới nửa triệu chiếc.
"Sóng thần" bị trì hoãn
Thực tế, dự báo ô tô giá rẻ Trung Quốc "chiếm sóng" thị trường phương Tây đã được đưa ra từ lâu, dựa trên những gì mà Nhật Bản và Hàn Quốc từng làm được. Song vì nhiều lý do, "cơn sóng" này vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên, có vẻ "cơn sóng" này đã bắt đầu, chỉ là không theo chiều hướng từng được nhận định. Ô tô Trung Quốc không xâm chiếm thế giới bằng các sản phẩm giá rẻ đơn thuần, vốn bị nghi ngại về tính an toàn. Như BYD đã nói, họ muốn tạo ra những chiếc xe giá vừa rẻ, vừa cao cấp.
Để làm điều đó, họ nhanh chóng bắt lấy làn sóng chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện, rũ bỏ mác "made in China" thường đi cùng với chất lượng tồi tệ và gây dựng hình ảnh xe Trung Quốc thực sự tốt. Họ nắm lấy "trái tim" của xe điện là pin, đồng thời phát triển phần mềm vốn chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trên ô tô hiện đại.
Hiện tại, theo Fortune, chỉ Tesla mới đủ khả năng cạnh tranh về mặt chi phí với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Thực tế, việc Elon Musk mua lại Twitter, nay là X, cũng được cho là để đối chọi lại với WeChat của Trung Quốc.
Dù vậy, các hãng xe Đức vẫn giữ được sự tự tin vốn có. Trong một cuộc phỏng vấn với Handelsblatt, CEO BMW Oliver Zipse cho biết: "Tham vọng không đồng nghĩa với thành công". Ông cho rằng người Trung Quốc không tạo ra được những chiếc xe hợp gu châu Âu, cũng như khó gây dựng được mạng lưới cơ sở bảo dưỡng đủ tốt và xuyên suốt.
Nhưng với những gì diễn ra ở triển lãm IAA, có vẻ câu chuyện không dừng lại ở "tham vọng". Hildegard Mueller, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), cho biết Đức đang mất đi khả năng cạnh tranh, và triển lãm ô tô IAA là minh chứng rõ nét cho áp lực cạnh tranh quốc tế cao.
BYD đã bán hơn 1,5 triệu xe xanh trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2023.