Theo Đài CNA, khủng hoảng tài chính của nhiều "ông lớn" phát triển bất động sản Trung Quốc đang tạo "làn sóng" ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Hàng loạt doanh nghiệp đâm đơn kiện và chi phí nhân công bị nợ lên đến hàng trăm tỉ USD.
Bất động sản là "xương sống" của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp 30% GDP, với khoảng 80% tài sản của người dân nằm trong mảng này - Đài CNA nhận định.
Trong khi đó Tập đoàn bất động sản Evergrande Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, Country Garden - công ty bất động sản có doanh thu cao nhất năm 2022 - cũng chỉ vừa thoát vỡ nợ trong gang tấc hồi đầu tháng.
Hiệu ứng gợn sóng
Công ty quảng cáo và sự kiện của ông Chen Zhi Xiong thành lập năm 2019. Năm 2020, công ty hợp tác với Evergrande trong bốn dự án từ tháng 10 đến tháng 12. Trong đó có việc cung cấp bảng hiệu và ấn phẩm quảng cáo, cũng như tổ chức sự kiện quảng bá cho công ty.
Tuy nhiên Evergrande đã nợ thanh toán cho công ty ông Chen khoảng một năm.
"Khi tôi hỏi về việc thanh toán, công ty đưa ra nhiều lý do. Họ nói cần có thời gian để hoàn tất thủ tục pháp lý hoặc cũng có thể họ không có tiền", Đài CNA dẫn lời ông Chen.
Theo tài liệu tòa án, ông Chen đã đệ đơn kiện cũng như gửi thông báo về việc vi phạm hợp đồng và thư nhắc nợ đến Evergrande.
Ông Chen phải chi tổng cộng đến 100.000 USD cho các dự án chưa được thanh toán và phải vay từ nhiều nguồn khác nhau để cân bằng dòng tiền, cũng như thanh toán cho các nhà cung cấp và trả lương nhân viên.
Do Evergrande không thanh toán, công ty không thể chi trả cho nhiều khoản nợ và ông Chen phải bán căn nhà của gia đình và chuyển đến một căn hộ thuê với diện tích chỉ bằng 1/2 nhà cũ. Đồng thời thu hẹp quy mô của công ty xuống còn một nửa.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy ngành bất động sản, như việc hạ lãi suất vay thế chấp và đồng ý cho các ngân hàng gia hạn khoản vay cho các bên phát triển.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp, nhà thầu phụ và các bên cung cấp vật liệu vẫn lên tiếng, cho rằng họ đang bị bỏ lại, khi cơ chế chỉ ưu tiên người mua nhận nhà chưa hoàn thiện.
Bị nợ lương, còn thêm lãi vay mua nhà
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Research, nhóm các nhà cung cấp cho các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đang chờ được thanh toán khoản tiền ít nhất 390 tỉ USD.
Khó khăn của hàng loạt "đại gia" bất động sản Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế tỉ dân nói chung, khi các công ty ngừng tuyển dụng và ngày càng ít người mua nhà.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp xây dựng Trung Quốc đến tháng 6-2023, có ít hơn 1,5 triệu việc làm trong ngành xây dựng nước này so với một năm trước.
Một cựu nhân viên Evergrande cho biết trước khi rơi vào khủng hoảng, tập đoàn có chính sách nội bộ dành cho toàn bộ nhân viên, bất kể cấp bậc.
"Nhân viên được yêu cầu mua một căn hộ của công ty, hoặc phải giới thiệu 50 khách hàng đến xem một sản phẩm bất động sản. Về cơ bản, đây là một chiến dịch marketing nội bộ", cựu nhân viên 27 tuổi chia sẻ với Đài CNA.
Người này đã mua một căn hộ của Evergrande, trả trước 20% và vay thế chấp trong vòng 30 năm.
Hiện anh vẫn đang phải trả khoản vay với lãi suất 5%, bằng 1/3 số tiền lương hằng tháng, trong khi căn hộ đã mất 1/5 giá trị.
"Thời gian đó công ty đã không thể trả lương và nợ lương tôi 3 tháng", anh này nói thêm.
Cổ phiếu Tập đoàn bất động sản Evergrande có thời điểm tăng vọt khoảng 82% trong ngày 6-9, sau thông tin Country Garden thoát cảnh vỡ nợ.