Thông tin này được Chủ tịch Comac He Dongfeng nêu tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Pujiang ở Thượng Hải hôm 10/9. Đây là máy bay do Trung Quốc tự sản xuất.
Sau 14 năm phát triển, Comac C919 được Trung Quốc cấp chứng nhận cuối tháng 9/2022. Đây là mẫu máy bay thân hẹp, có sức chứa 158-169 hành khách với tầm bay hơn 5.500 km. C919 sẽ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.
Hồi tháng 12/2022, hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines trở thành khách hàng đầu tiên được bàn giao C919. Loại máy bay này được hãng đưa vào vận hành từ cuối tháng 5/2023. Hai chiếc C919 hiện bay tuyến Thượng Hải - Thành Đô.
Bắc Kinh hy vọng C919 sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Chính phủ nước này đặt mục tiêu C919 chiếm 10% thị phần nội địa năm 2025.
Chiếc máy bay này từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến trong báo cáo năm 2017. Ông gọi đây là động lực thúc đẩy "mô hình phát triển mới" của Trung Quốc cùng với các thành tựu khoa học kỹ thuật khác. C919 cũng giúp đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay, gồm Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức.
Comac cũng sản xuất ARJ21 – máy bay phản lực đầu tiên của nước này. Hiện khoảng 112 chiếc ARJ21 đang hoạt động. Số đơn hàng Comac nhận được cho máy bay này là 775.
Indonesia là khách hàng quốc tế đầu tiên của ARJ21. He cho biết máy bay này không chỉ hoạt động trong lãnh thổ Indonesia, mà còn bay tuyến quốc tế, sang Malaysia và Singapore. Đến nay, ARJ21 đã chuyên chở 8,6 triệu lượt hành khách.
Comac tiết lộ hiện họ có nhiều dòng máy bay, từ loại nhỏ, thân hẹp bay cự ly ngắn và trung bình đến máy bay thân rộng bay đường dài. Hãng này đang thiết kế chiếc C929 để bay liên lục địa, với 250-350 chỗ ngồi và có khả năng bay 12.000 km.
Hà Thu (theo CGTN, SCMP)