Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm tại một trường học ở Seoul vào ngày 18/11/2021. Ảnh: afp.com
Cuộc đua để vào trường y
Theo dữ liệu do SNU tổng hợp và công bố vào tháng 5 vừa qua, 6,2% trong số 3.606 sinh viên năm nhất của trường vào năm 2023 đã nghỉ học ngay sau khi đăng ký. Tờ Korea Herald dẫn lời các chuyên gia giáo dục tư nhân cho rằng hiện tượng này bắt nguồn từ việc sinh viên sau khi được nhận vào các trường đại học hàng đầu lại chuẩn bị để thi lại đại học.
Ông Lee Man-ki tại Viện Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục Uway cho biết: "Việc nghỉ học ngay sau khi vào SNU, ngôi trường hàng đầu Hàn Quốc, có thể là nỗ lực để được nhận vào các trường y, nha khoa hoặc đông y, vốn yêu cầu điểm cao hơn".
Vì bác sĩ thường nhận lương cao và có uy tín xã hội ở hầu hết các quốc gia nên việc được khoác chiếc áo blouse trắng là mong ước của nhiều người. Tuy nhiên, ưu ái đối với nghề y rõ rệt hơn nhiều ở Hàn Quốc, nơi điểm chuẩn cho Suneung - kỳ thi đại học – của các trường y cao hơn nhiều so với những khoa khác tại nhóm đại học hàng đầu nước này. Các nhà chức trách đã nỗ lực giải quyết vấn đề này trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có kết quả rõ ràng.
Chương trình học lấy bằng y khoa ở mỗi quốc gia là khác nhau và quá trình này tại Hàn Quốc đã trải qua một số cải cách. Nhưng điểm chính là để trở thành một bác sĩ có trình độ, sinh viên cần phải hoàn thành khóa học sáu năm bao gồm giáo dục đại học, nghiên cứu tiền lâm sàng và đào tạo thực tế.
Điểm Suneung cao là yếu tố quan trọng. Để được nhận vào trường y xếp hạng thấp nhất ở Hàn Quốc, thì cần phải vượt trội hơn 97,7% học sinh tham gia kỳ thi Suneung. Yêu cầu này cao hơn đáng kể so với các khoa khác tại SNU, ở mức 94,3%. Và để được nhận vào trường Y khoa SNU danh tiếng, thí sinh phải nằm trong top 0,8% học sinh điểm cao nhất tại kỳ thi đại học.
Số lượng thí sinh lớn tuổi cũng đang gia tăng. Theo Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc, có 582 người từ 26 tuổi trở lên được nhận vào các trường y năm 2021. Đầu năm 2023, câu chuyện về một người đàn ông họ Gwak vào trường y ở tuổi 45 đã lan truyền trên YouTube. Ông Gwak đã tốt nghiệp SNU và đã làm việc tại một tập đoàn lớn trong 17 năm, chia sẻ: "Sau khi có con gái, ở tuổi 41, tôi bắt đầu lo lắng về tiền bạc". Ông cho biết bản thân cần một công việc có thể làm việc lâu dài mà không phải lo lắng về tuổi nghỉ hưu.
Ông Seong Gwang-jin từng đứng đầu Viện Giáo dục Daejeon tư nhân, đánh giá rằng việc đóng băng giới hạn hàng năm tuyển sinh đại học y từ 2006 là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng hiện nay. Ông nhận định: "Độ tuổi trung bình và thu nhập đã tăng lên trong xã hội Hàn Quốc, cũng như nhu cầu chăm sóc y tế. Mặt khác, số lượng tuyển sinh tại các trường y vẫn giữ nguyên, điều này khiến nghề y trở thành vị trí được thèm muốn và có thu nhập cao nhất". Trở thành bác sĩ là một công việc mơ ước, thậm chí ngay cả đối với những người đã có việc làm.
Nỗ lực thay đổi của chính phủ
Trong nhiều năm, chính phủ Hàn Quốc tập trung vào giải pháp cho hai vấn đề: Có quá nhiều sinh viên muốn theo học trường y và có những lời kêu gọi bổ sung thêm bác sĩ trên cả nước, tại sao các trường y lại không nhận nhiều sinh viên hơn? Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có 2,5 bác sĩ trên 1.000 dân, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của OECD là 3,7 bác sĩ.
Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong vào tháng 6 phát biểu trong một phiên họp Quốc hội rằng với đồng thuận giữa chính phủ và cộng đồng y tế, chỉ tiêu sinh viên vào các trường y sẽ tăng từ năm 2025. Nhưng kế hoạch này đang vấp phải phản ứng dữ dội từ một bộ phận trong giới y tế Hàn Quốc. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) gần đây đã tổ chức họp báo phủ nhận thông tin cho rằng tổ chức này chấp nhận đề xuất của chính phủ về việc tăng cường chỉ tiêu vào các trường y, đồng thời nói rằng cuộc thảo luận "chỉ mới bắt đầu". Một giải pháp khác được đề xuất là thành lập một trường y mới do nhà nước điều hành, nhưng KMA cũng phản đối điều này.
Mặc dù có chia rẽ về giải pháp, nhưng nhìn chung mọi người đều đồng ý rằng quá nhiều sinh viên muốn vào trường y không phải là tình huống lý tưởng. Vào tháng 8, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đã công bố báo cáo trong đó nhận định một số lượng lớn sinh viên ưu tú chỉ nhắm vào trường y là "không tốt cho năng lực cạnh tranh quốc gia". Việc phần lớn sinh viên tài năng nhất nước chỉ tập trung vào trường y, dẫn đến thiếu hụt nhân tài ở các lĩnh vực khác.
Hàn Quốc có một số trường ưu tú đào tạo các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Nhưng số liệu thống kê cho thấy một số lượng đáng kể sinh viên ở các trường khoa học này cuối cùng lại trở thành sinh viên y khoa. Các trường đại học phi y tế tại Hàn Quốc được chia thành hai loại chính: Loại thứ nhất tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học còn loại thứ hai tập trung vào luật, quản lý kinh doanh và các ngành nhân văn khác.
Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đề nghị chính phủ xem xét kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho sinh viên ngành STEM bằng các khuyến khích kinh tế, chẳng hạn như tăng lương cho các chuyên gia trong lĩnh vực của họ sau khi tốt nghiệp.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp với KMA vào ngày 21/9 về các vấn đề của ngành y. Cả hai bên đang xem xét liệu họ có thể đưa ra những kế hoạch khả thi và hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng tập trung quá mức nhân tài ở các trường y./.